Một ngày của năm 2012 tôi vào bệnh viện Việt – Pháp bên quận Bảy, TPHCM thăm ông Đặng Văn Thành. Vài ngày trước đó cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gọi ông và con trai Đặng Hồng Anh lên làm việc, xong thì về. Tiếp tôi trong căn-tin bệnh viện, trông ông xanh xao, gầy xọm trong bộ quần áo bệnh nhân thùng thình. Tôi đưa cho ông tờ báo mới phát hành bữa sáng để ông đọc cập nhật tin tức. Vị bác sĩ ngồi bên cạnh nói: “Ông Thành bệnh mà sáng nào cũng đọc chừng mươi tờ báo”. Ông Thành quay sang bác sĩ, giọng buồn buồn: “Không nên hình sự hoá các vụ việc kinh tế thì doanh nhân, doanh nghiệp mới có tinh thần làm ăn, đầu tư”.
Ở Sacombank thời điểm ấy không ít nhân viên bất ngờ trước tin ông Thành vô viện. Giám đốc một chi nhánh Sacombank trên địa bàn thành phố cùng vào thăm ông hôm ấy kể lúc ra khỏi cổng bệnh viện, đại ý ông và con trai đang đi công tác ở Singapore thì có hai thành viên hội đồng quản trị ngân hàng sang kêu về họp hội đồng quản trị gấp. Khi đó ông Thành và gia đình cùng nhóm cổ đông cũ đã bàn giao hầu hết quyền hành, công việc ở Sacombank cho nhóm cổ đông mới nhưng hai cha con ông vẫn có chân trong hội đồng quản trị. Vừa vào họp được khoảng vài chục phút, người của bên cơ quan cảnh sát điều tra đến yêu cầu ông Thành và ông Anh lên trao đổi công việc.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6-2012 ông Thành không gặp gỡ cánh phóng viên như mọi năm, nên dân làm nghề viết bài, đưa tin không có cơ hội gặp ông hỏi chuyện. Một phóng viên chuyên theo dõi mảng tài chính – ngân hàng của một tờ báo ngày cho biết anh nhận được một lẵng hoa chúc mừng của ông Thành, chỉ ghi: “Ông Đặng Văn Thành chúc mừng ngày nhà báo Việt Nam”. Anh phóng viên kể: “Mấy năm trước năm nào ông cũng gửi lẵng hoa dịp 21-6 và ghi rõ ông Đặng Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank chúc mừng… Năm nay mấy chữ chủ tịch Sacombank biến mất”. Những năm sau ông Thành vẫn giữ lệ cũ, gửi hoa chúc mừng, nhưng ghi: “Đặng Văn Thành, chủ tịch tập đoàn TTC chúc mừng”.
Sau thời gian chữa bệnh, khoẻ lại, ông Thành đi làm mía đường. Ai nhắc chuyện thâu tóm Sacombank ông cũng lắc đầu, không trả lời. Một lần qua điện thoại ông cho biết ông đang xem xét đầu tư trồng mía ở Campuchia, nơi có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp. Tôi gặng hỏi Sacombank, ông bảo ông sẽ trả lời phỏng vấn lần cuối về chuyện ngân hàng và nhấn mạnh “nếu không biết buông thì đa đoan lắm”. Tôi đã lấy câu ấy của ông làm tựa cho bài phỏng vấn đăng trên TBKTSG ít lâu sau đó.
Tây Ninh, nơi đặt trụ sở của Công ty mía đường Bourbon, một thành viên của tập đoàn Thành Thành Công, là địa phương ông Thành thường xuyên đi về. Có lần đứng trước chi nhánh Sacombank Tây Ninh, mắt ông Thành long lanh nước. Anh lái xe nghĩ ngợi dẫu sao ông cũng đã từng vào ra toà nhà đó, nó là một phần của đứa con tinh thần ngân hàng của ông.
Ông Thành đảm đương chức vụ chủ tịch Sacombank khi chưa đầy 35 tuổi. Sacombank là một trong những ngân hàng đầu tiên bán cổ phần cho nước ngoài, cho IFC, Dragon Capital và ANZ. Hôm thị trưởng Khu Tài chính London đến thăm Sacombank, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, là người phiên dịch cho ông Thành và ông thị trưởng. Phiên dịch không phải là nghề của ông Dominic Scriven, nhưng bữa ấy chắc vội, người phiên dịch ngân hàng dịch đuổi không được gãy gọn lắm.
Sau đấy không lâu, Dragon Capital và Sacombank hợp tác lập công ty liên doanh quản lý quỹ VF1 tỉ lệ góp vốn 50:50, huy động vốn ngay tại thị trường nội địa đầu tư doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết. Đó là công ty quản lý quỹ trong nước đầu tiên của Việt Nam và tiếp theo Dragon Capital mua lại phần hùn vốn của Sacombank ở VF1.
Đặng Văn Thành là người của tầm nhìn. Đầu những năm 2000 trong phòng làm việc của ông tại trụ sở Sacombank trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có một tấm bản đồ lớn Đông Dương. Hàng tháng, trên tấm bản đồ lại hiện thêm những dấu ngôi sao đỏ. Đó là các chi nhánh của Sacombank được mở ở các tỉnh, thành. Ông sớm nhìn thấy sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước với nhau, cũng như giữa các ngân hàng nội và ngoại là ở huy động vốn, chứ không phải chỉ cho vay. Mà muốn huy động vốn, mạng lưới là ưu tiên xây dựng hàng đầu.
Thực ra những năm đó không phải chỉ ông Thành nhìn ra câu chuyện huy động vốn và mạng lưới. Một ngân hàng cổ phần khác là Á Châu (ACB) đã đặt tham vọng chiếm 10% thị phần huy động vốn toàn quốc. ACB cũng áp dụng hẳn một chiến lược mở mạng lưới và chỉ định một phó tổng giám đốc kinh nghiệm là ông Nguyễn Thanh Toại phụ trách việc này. Cuộc đua rất hoà bình nhưng không kém phần quyết liệt mở mạng lưới Sacombank – ACB bắt đầu từ đấy. Chỉ khác là ACB định hướng phục vụ khách hàng đô thị, tầng lớp trung lưu, còn Sacombank phục vụ cả thành phần bình dân, tiểu thương các chợ, nên tốc độ mở chi nhánh của Sacombank có nhỉnh hơn. Riêng về chất lượng mạng lưới thì thật khó so sánh.
Với sự hỗ trợ của các cổ đông ngoại, Sacombank bắt đầu nâng tầm quản trị, đào tạo nhân viên lớp lang. Chất lượng dịch vụ và chất lượng nhân lực ở Sacombank được thừa nhận trong tốp đầu ngân hàng.
Đó cũng là điểm rơi cuộc thâu tóm Sacombank.
Khi đã rời bỏ thương trường ngân hàng, ba năm sau nhìn lại, ông Thành thừa nhận ông đã có phần chủ quan, ông có lỗi với những cổ đông, khách hàng thân thiết và nhất là đội ngũ nhân viên Sacombank. Ông đã từng tự tin với cổ đông ngoại nắm giữ 30% cổ phần, các cổ đông tổ chức và nhóm cổ đông cũ cùng gia đình ông sở hữu hơn 20% cổ phần, Sacombank không thể nào bị thâu tóm. Tuy vậy, thị trường đã chứng kiến trường hợp hy hữu trong lịch sử ngân hàng Việt Nam cho đến bấy giờ: cá bé đã nuốt trọn cá lớn!
Ngày 29-7-2016 tập đoàn Thành Thành Công kỷ niệm 37 năm thành lập. Sau những bài phát biểu, trên sân khấu chủ tịch Dragon Capital ông Dominic Scriven vừa hát vừa nhảy một bài tiếng Anh bốc lửa. Ông Thành giới thiệu ông Dominic Scriven với quan khách: “Đây là đối tác chung thuỷ của tôi, đang quản lý 1,5 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào Việt Nam”.
Chẳng phải ngẫu nhiên ngôn từ “chung thuỷ” xuất hiện đúng lúc. Khi cuộc thâu tóm Sacombank đang ở cao trào, Dragon Capital đã quyết định chuyển nhượng lại toàn bộ số cổ phần họ nắm giữ cho nhóm cổ đông của ông Thành với giá 16.000 đồng/cổ phiếu. Dragon Capital hoàn toàn có thể thương lượng một mức giá cao hơn để bán cho phía đi thâu tóm trong bối cảnh bấy giờ, nhưng họ đã không làm thế.
Trong số những quan khách, có một banker được giới kinh doanh tiền tệ coi như cây đa cây đề, khá kín tiếng và hiếm khi hiện diện trên các phương tiện truyền thông, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng ACB ông Trần Mộng Hùng, nhận xét: “Dragon Capital là một nhà đầu tư đàng hoàng”. Có thể hiểu được vì sao ông Hùng nhận định như vậy. Vài tháng trước, thị trường cứ đồn đi đồn lại các cổ đông ngoại ở ACB đã đàm phán bán hết cổ phần cho một nhóm nhà đầu tư trong nước và nếu thế, ACB cũng có thể trở thành một mục tiêu thâu tóm. Dominic Scriven lắc đầu: “Làm gì có chuyện đó”.
Ông Thành có quay trở lại kinh doanh ngân hàng? Trong cuộc gặp mặt báo chí nhân ngày 21-6-2016 ông tâm sự với cánh nhà báo ông tâm niệm hai điều: ngân hàng là con nợ của dân và ông có thể trở lại nếu điều kiện thuận lợi. Hiện tại ông vẫn tâm niệm thế. Trên khuôn mặt ông, những vết nhăn đã giãn ra đôi chút và ông đã có thể cầm micro hát lại những bài hát tủ “Bến Thượng Hải” và “Nổi lửa lên em”.
Giới doanh nhân quan tâm điều gì nếu ông Thành trở lại ngành ngân hàng: ông sẽ làm việc với ngân hàng nào đây? Sacombank nay đã không còn như trước. Cuộc “hôn phối” đã đăng ký nhưng chưa đám cưới (chưa tổ chức đại hội cổ đông để công bố chính thức) với Ngân hàng TMCP Phương Nam còn ngổn ngang. Thị giá cổ phiếu Sacombank trên Hose đang thấp nhất trong lịch sử mấy mươi năm ngân hàng này. Chẳng có tin tức nào ông Thành sẽ bỏ vốn đầu tư vào tổ chức tín dụng khác. Ông vẫn đang tập trung cho mía đường, mà trước mắt là kế hoạch sáp nhập công ty đường Biên Hoà và Bourbon Tây Ninh để hướng tới niêm yết ở thị trường chứng khoán Singapore.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]