Nếu so với mặt bằng các ngành nghề khác như IT, tiêu dùng, bán lẻ... mức thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng ở mức cao hơn khá nhiều.
Khảo sát của Navigos Group, đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search về nhân sự ngành ngân hàng, cho thấy có tới 90% số ngân hàng chi trả mức thu nhập cho nhân viên của mình 10-30 triệu đồng/tháng. Nhưng 26% ngân hàng cho rằng mức lương và chế độ đãi ngộ hiện tại của họ chưa thực sự cạnh tranh, và là khó khăn lớn nhất trong việc tuyển nhân sự.
Hầu hết nhân viên ngân hàng chỉ được thưởng 1-3 tháng lương/năm
Chia sẻ về mức thưởng, phần lớn nhân viên tại các ngân hàng được khảo sát cho biết mức thưởng họ nhận được hàng năm tương đương 1-3 tháng lương. Có 18% số người được hỏi nhận mức thưởng 3-5 tháng lương mỗi năm, 7% nhận được mức thưởng 5-7 tháng lương. Chỉ 5% số nhân viên cho biết họ nhận được mức thưởng trên 7 tháng lương mỗi năm.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết mức thưởng Tết đã tăng so với trước đó, nhưng không có định ở một mức nào mà phụ thuộc vào hiệu quả công việc. Thậm chí, có ngân hàng còn cho biết mức thưởng cho nhân viên của mình lên tới 7 tháng lương kinh doanh.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết hầu hết ngân hàng hiện nay đều áp dụng mức thưởng theo từng vị trí và kết quả kinh doanh của đơn vị.
Ông cũng cho biết những năm gần đây các ngân hàng không công bố mức thưởng cụ thể, vì lương, thưởng ngành ngân hàng đã được thay đổi cách nhìn nhận.
“Trước đây, người ta thường khoe thưởng thế này, thế kia nhưng giờ thị trường lao động ngày càng biến động. Việc đưa số liệu lương, thưởng cụ thể không chính xác ra thị trường sẽ gây ra ảnh hưởng cho thị trường”, ông Toại chia sẻ.
Các nhân viên ngân hàng cũng tiết lộ mức tăng lương hàng năm của ngành ngân hàng tương đối cao, với mức trên 10% mỗi năm.
Căng thẳng, áp lực khiến tỷ lệ nghỉ việc cao
Đi kèm với mức thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng, tỷ lệ nhân viên ngân hàng nghỉ việc lại rất cao. Hơn một nửa số ngân hàng được hỏi cho biết trung bình mỗi năm có trên 10% số nhân viên của họ nghỉ việc.
Phần lớn nhân viên ngân hàng tham gia kháo sát cũng cho biết họ cảm thấy căng thẳng và áp lực ở các mức độ khác nhau, chỉ 8% hài lòng với công việc hiện tại.
Lý do phổ biến gây ra căng thẳng trong ngành ngân hàng chính là khối lượng công việc nhiều và áp lực chỉ tiêu doanh số cao.
Đáng chú ý, dù chủ yếu số lượng nhân viên tham gia khảo sát đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, chỉ 16% đến từ chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng hơn một nửa số người được hỏi tỏ ý muốn làm việc cho ngân hàng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong khi đó, chỉ 11% số nhân viên ngân hàng được hỏi mong muốn làm việc tại ngân hàng thương mại quốc doanh, dù nhóm nhà băng này chi trả lương nhân viên khá cao. Theo tính toán, các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh đang là những nhà băng chi trả thu nhập bình quân cho nhân viên cao nhất. Như hơn 32 triệu đồng/tháng tại Vietcombank; 29,2 triệu đồng/tháng tại BIDV, gần 26 triệu đồng/tháng ở MBBank...
Nguyên nhân các nhân viên ngân hàng muốn làm việc ở chi nhánh/ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vì cho rằng sẽ được đối xử công bằng và môi trường làm việc lành mạnh. Cùng với đó là mong muốn lương cao, có cơ hội thằng tiến và được sử dụng tiếng Anh, làm việc với đồng nghiệp, quản lý người nước ngoài…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]