Theo các ý kiến phản hồi trong cuộc khảo sát, ngành "Dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản" , ngành "Thực phẩm & đồ uống", và ngành "Công nghệ sạch“ được dự báo sẽ là những ngành thu hút đầu tư hàng đầu.
Lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt được xem là hấp dẫn nhất, với 37% lựa chọn, tăng gấp đôi so với mức 17% của năm 2014. Sự gia tăng đột biến do những cơ hội mua tài sản từ người bán đang khó khăn về tài chính, hoặc cơ hội đầu tư vào tài sản với chi phí thấp hơn.
Đối với đầu tư tư nhân tại Việt Nam, điều này có thể được hiện thực hóa khi có đến 4 dự án nhà máy lọc dầu đang và sắp đầu tư gồm: Nghi Sơn, Nhơn Hội, Nam Vân Phong, Vũng Rô, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư khi chủ dự án có nguồn vốn hạn hẹp.
Các nhà đầu tư còn có nhiều cơ hội hơn trong ngành kinh doanh xăng dầu, sau khi dự thảo nghị định của Bộ Công thương ban hành, phân loại ngành mua bán xăng dầu là một phân ngành có điều kiện và không còn là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước.
Xếp vị trí thứ hai, ngành “Thực phẩm và đồ uống” duy trì được sức hấp dẫn, với sự tăng nhẹ lên 34% lựa chọn từ 33% ở kỳ khảo sát trước.
Nguyên nhân, Việt Nam có dân số đông với 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đang tăng là tiền đề vững chắc hỗ trợ tiềm năng phát triển của thực phẩm, đồ uống. Mức tăng trưởng tiêu thụ lương thực bình quân đầu người được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17,6% trong giai đoạn 2014 – 2019.
Ngành thực phẩm đóng gói sẵn sẽ có tăng trưởng rất cao về sản lượng và doanh thu, ước tính lần lượt đạt 24,2% và 48,7%.
Ngành đồ uống cũng được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10,5%t. Trong đó riêng ngành bia tăng trưởng được dự báo với tốc độ còn cao hơn là 32,8%.
Xếp thứ ba là ngành công nghệ sạch cũng rất hấp dẫn, với 29% lựa chọn đầu tư. Vì chiến lược tăng trưởng xanh là một trong những chủ đề chính trong Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Trong quá trình thương thảo Hiệp định giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), EU sẽ tài trợ một phần trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành trong tháng 3 năm 2014, ước tính đến 30 tỷ USD Mỹ từ nay cho đến 2050.
Các điều kiện gồm đảm bảo công bằng đối xử cho các doanh nghiệp trong ngành, giảm thuế từng phần đến mức thuế suất 0% cho các thiết bị công nghệ xanh. Hai bên hiện đã đồng thuận trên các vấn đề chính về lĩnh vực năng lượng tái tạo và dự kiến mọi vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU sẽ kết thúc vào tháng 9 năm 2015.
Đứng vị trí hấp dẫn thứ tư là hai ngành Nông nghiệp; ngành Y tế & Dược phẩm đều đạt 24% lựa chọn.
Tiếp theo là Dịch vụ tài chính, Bất động sản, Giáo dục và Sản xuất, với sự lựa chọn đầu tư chiếm tỷ lệ 22%.
Khi tham gia đầu tư, các nhà đầu tư tư nhân muốn được thay đổi hoạt động của các công ty mình tham gia đầu tư. Lĩnh vực đầu tiên là tham gia “Lập kế hoạch tài chính" (21%), "Tiếp cận nguồn vốn" (17%) và "Quản trị doanh nghiệp" (16%). Trong ba lĩnh vực này, “Tiếp cận nguồn vốn” bất ngờ được chọn trong Top 3 sau khi giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 trong ít nhất 3 cuộc khảo sát gần đây.
Về nguồn cung cấp các thương vụ đầu tư, “Công ty tư nhân/gia đình” tiếp tục là lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư, dù tỷ lệ lượt chọn đã giảm nhẹ từ 33% trong kỳ khảo sát trước xuống còn 30% vào quý 2 năm 2015.
Mặt khác, sau một thời gian dài không được ưu ái bởi các nhà đầu tư, “Thị trường chứng khoán” đã nằm trong top 3, cho thấy sự phấn khích của nhà đầu tư khi được tăng mức trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Sự phấn khích của các nhà đầu tư với triển vọng kinh tế đang phục hồi, cùng với rất nhiều cơ hội đến từ Hiệp định tự do thương mại (FTA) đang trong quá trình thương thảo hoặc sắp được thông qua, giá trị các thương vụ Mua bán & Sáp nhập (M&A) được kỳ vọng sẽ vượt mức kỷ lục 5,2 tỷ USD của năm 2012 và đạt mức 20 tỷ USD trong giai đoạn 2015 và 2018.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]