Cách thức chi trả thù lao của lãnh đạo các ngân hàng hiện nay được chia ra làm 2 hình thức: một nhóm là nhận theo số cố định mà lãnh đạo đề xuất chẳng hạn như Eximbank, Techcombank, ACB, OCB... Còn một nhóm theo hình thức nhận tiền công theo hiệu quả công việc tức là nhận theo phần trăm lợi nhuận có thể là lợi nhuận trước thuế hoặc sau thuế tùy từng ngân hàng. Tiêu biểu cho nhóm này là Vietcombank, BIDV, VietinBank,...
So găng thù lao sếp 3 ngân hàng dẫn đầu hệ thống
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của ngân hàng Vietcombank, ĐHĐCĐ đã phê duyệt mức thù lao đối với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2016 bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ 0,35% này được duy trì trong nhiều năm trở lại đây.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng, lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 của Vietcombank đạt 6.845 tỷ đồng, tăng 28% so với kết quả năm 2015.
Như vậy, ban lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát của ngân hàng ước tính sẽ được nhận 23,95 tỷ đồng. Trong khi đó, Hội đồng quản trị Vietcombank gồm có 7 người và Ban kiểm soát là 4 người. Tính trung bình, mỗi lãnh đạo nhận 2,17 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 181,5 triệu đồng/người/tháng.
Một ngân hàng có tỷ lệ thù lao tính theo phần trăm lợi nhuận còn cao hơn cả Vietcombank là BIDV song năm vừa qua kết quả lợi nhuận của ngân hàng này thấp hơn và số thành viên lãnh đạo cùng nhiều hơn (16 người) Vietcombank nên thù lao cá nhân thấp hơn.
Đại hội đồng cổ đông 2016 của BIDV đã thông qua đề xuất mức thù lao của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát BIDV năm 2016 tối đa 0,44% lợi nhuận sau thuế. Năm 2016, BIDV đạt lợi nhuận sau thuế là 6.248 tỷ đồng. Như vậy, quỹ lương dành cho các lãnh đạo BIDV sẽ tối đa là 27,49 tỷ đồng. Bình quân, mỗi sếp BIDV nhận 1,71 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 143 triệu đồng/người/tháng.
VietinBank có kế hoạch chi trả thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát không quá 0,38% lợi nhuận sau thuế. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của VietinBank tăng vọt lên 6.825 tỷ đồng, quỹ thù lao của lãnh đạo VietinBank là 25,93 tỷ đồng trong năm 2016. Tính bình quân của 9 thành viên HĐQT và 4 thành viên Ban kiểm soát, mỗi lãnh đạo VietinBank nhận 1,995 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 166 triệu đồng/người/tháng.
223 triệu đồng/tháng là mức thù lao khủng nhất
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2016 Techcombank thông qua, ngân sách thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát là 29,54 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thực hiện năm 2015. Cũng tương tự như vài năm trước, ban lãnh đạo Techcombank cho biết sẽ không nhận thù lao thành tích.
Techcombank có 7 thành viên trong Hội đồng quản trị và 4 người trong Ban kiểm soát, như vậy bình quân mỗi người sẽ nhận thù lao 2,68 tỷ đồng/năm, tương đương 223 triệu đồng/tháng. Đây là mức thù lao cao nhất các ngân hàng hiện nay, chứ không phải là Vietcombank như nhiều phân tích khác chỉ ra trước đó.
Còn quỹ lương, thưởng trợ cấp nghỉ việc ngân hàng đã xin được thông qua tối đa là 2.009 tỷ đồng, số này đã bao gồm tất cả nhân viên Techcombank, trừ thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Năm qua là một năm thực sự tỏa sáng của Techcombank khi lợi nhuận tăng gấp đôi năm 2015 với con số khủng lên tới gần 4.000 tỷ đồng, xếp hạng thứ 6 về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng và đứng thứ 2 trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi tháng 4/2016 của ngân hàng ACB đã nhất trí thông qua tổng mức thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát là 10,3 tỷ đồng trong đó, Hội đồng quản trị nhận thù lao 6,9 tỷ đồng và Ban kiểm soát là 3,4 tỷ đồng.
Với 9 thành viên trong Hội đồng quản trị, mỗi người sẽ nhận thù lao năm qua là 766 triệu đồng/năm, tương đương 63,8 triệu đồng/tháng. Và 4 người trong Ban kiểm soát, mỗi người sẽ nhận 850 triệu đồng/năm, tương đương 70,8 triệu đồng/tháng. Đây thực sự là mức thù lao khiêm tốn so với các ngân hàng khác.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, có ý kiến cổ đông cho rằng thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2016 không nên tăng 15% mà chỉ ở mức như năm 2015, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB chia sẻ, mức thù lao đề xuất cho năm 2016 tính ra chỉ bằng một nửa so với thời điểm 2012 (khoảng 14,3 tỷ đồng) và việc tăng này là nhằm để tăng năng lực lãnh đạo của ban quản trị trước bối cảnh kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt. Ông cũng nhấn mạnh thù lao của lãnh đạo ngân hàng đã xếp vào mức thấp nhất hệ thống.
Với một ngân hàng có quy mô vốn nhỏ hơn như OCB, thù lao dành cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2016 được thông qua ở mức 8,2 tỷ đồng (năm 2015 được ĐHĐCĐ thông qua 8,2 tỷ đồng nhưng thực chi chỉ 6,19 tỷ đồng). Với số thành viên trong Hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 8 người, tính ra mỗi người sẽ nhận khoảng hơn 1 tỷ đồng trong năm 2016.
Ttương tự ở mức này, thù lao của dàn lãnh đạo ngân hàng Eximbank năm 2016 được đề xuất tại ĐHĐCĐ là 10 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi lãnh đạo Eximbank có cơ hội nhận hơn 1 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 93 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn nhận chung về vấn đề thù lao sếp ngân hàng, đã có nhiều cuộc Đại hội cổ đông nổ ra tranh cãi, chất vấn gay gắt của cổ đông trước Ban chủ tọa tại sao thù lao của sếp lại cao đến như vậy?
Thực tế, nhìn nhận một cách khách quan, làm lãnh đạo cấp cao ngân hàng không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Ghế nóng ngân hàng không chỉ đòi hỏi năng lực mà còn ràng buộc trách nhiệm và khối lượng quản trị, điều hành ngày một gia tăng. Vì vậy, mức độ chi trả thù lao mà họ nhận được cũng phải tương ứng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, với một số ngân hàng quy mô nhỏ, lợi nhuận sụt giảm do trích dự phòng rủi ro cao và nhiều năm không chia cổ tức, việc trả thù lao cao cho HĐQT, ban kiểm soát khó tránh khỏi sự thắc mắc, bức xúc của cổ đông.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]