Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó trăm bề
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số hơn 500.000 DN hiện nay, có đến 97% là DN vừa và nhỏ, trong đó lại có tới gần 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Dù chiếm số lượng lớn nhưng theo các ngân hàng, nhóm “khách hàng siêu nhỏ” (doanh thu trên dưới 10 tỷ đồng/năm) là phân khúc gần như bị bỏ quên, do các DN siêu nhỏ rất khó tạo nhiều lợi nhuận, trong khi rủi ro rất lớn.
Các DN nhỏ và siêu nhỏ luôn là đối tượng khó tiếp cận vốn ngân hàng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
“Hiện nay phần lớn các ngân hàng vẫn tập trung vào khách hàng quen thuộc, những nhóm DN lớn vì mang lại lợi nhuận ổn định, dễ thu hồi nợ... Còn với DN nhỏ và siêu nhỏ, nhiều đơn vị thậm chí còn không có tài sản đảm bảo, sổ sách kế toán chưa minh bạch, phương án kinh doanh cũng không rõ ràng... Nếu cho các DN này vay mà nhỡ sau này DN phá sản, giải thể thì thành nợ xấu rất khó giải quyết”- vị đại diện này nói.
Thực tế, bài toán khó tiếp cận vốn vay ngân hàng của các DN nhỏ và vừa từ nhiều năm nay vẫn chưa được tháo gỡ, dù đã có quy định về cho vay tín chấp, thậm chí có cả quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa vay vốn. Ông Nguyễn Thành Sang - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thành Sang (Bình Thạnh, TP.HCM) than thở: “Theo quy định của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình để thực hiện các giao dịch bảo đảm. Nếu đã có tài sản thế chấp rồi, cần gì phải bảo lãnh để mất thêm phí?”
Cũng chính bởi khó tiếp cận vốn ngân hàng nên để giải “cơn khát vốn”, các DN nhỏ và rất nhỏ phải tìm vốn thông qua chợ đen với lãi suất “cắt cổ”. Từ nguồn vốn vay đó, nếu DN không biết quản trị dòng tiền tốt thì việc phá sản là vấn đề sớm hay muộn.
Ngân hàng nỗ lực “bơm máu” cho DN
Để giúp đỡ DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh doanh, theo sự chỉ đạo của NHNN, hàng loạt NHTM đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Chẳng hạn, HDBank có gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,8%/năm, với các khoản vay dưới 3 tháng; VietCapital Bank cũng triển khai chương trình cho vay tín chấp dành cho DN nhỏ và vừa với hạn mức 1.000 tỷ đồng; Agribank cũng cho nhóm DN này vay khoảng 30 - 40% tỷ trọng dư nợ, với lượng vốn trên 100.000 tỷ đồng;…
Dù NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng, nhưng kết quả cho vay vẫn đạt thấp, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. |
Trong khi đó, ở góc độ nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chính thức khởi động Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây là tổ chức chuyên thực hiện chức năng hỗ trợ đối với các DN nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Tuy nhiên trên thực tế, việc giải quyết vốn vay cho các DN nhỏ và vừa, DN rất nhỏ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bên cạnh yếu tố tài sản thế chấp thì nhiều DN rất yếu trong vấn đề lập dự án, cân đối tài chính thiếu khả thi, kế hoạch kinh doanh không rõ ràng,… nên rất khó để xét duyệt cho vay.
“Ngoài ra, với những DN dù tài sản đảm bảo thiếu nhưng nếu có kế hoạch quản trị dòng tiền tốt thì ngân hàng cũng sẽ xem xét cho vay vì thực tế chỉ cần quản lý tốt dòng tiền đã là một cách sinh lời tự nhiên” - đại diện HDBank nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]