Theo báo cáo kinh tế tháng 2 do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, tỉ giá VND/USD có xu hướng tăng trong hai tháng đầu năm 2017, do nhập siêu trong hai tháng đầu năm nay là 46 triệu USD. Cùng kỳ các năm trước, cán cân thương mại thường xuất siêu. Các năm 2016, 2015, 2014, 2013, xuất siêu lần lượt đạt 865 triệu USD, 61 triệu USD, 244 triệu USD và 1,67 tỉ USD.
Tỉ giá tăng nóng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Tỉ giá trong những tháng vừa qua, đặc biệt sau ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, có lúc tăng cao. Có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất do đồng USD tăng giá, tạo hệ lụy là nhiều đồng tiền mạnh khác trên thế giới chứ không chỉ riêng VND chịu tác động tiêu cực. Thứ hai, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 12-2016 và dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất đồng bạc xanh trong năm nay. Thứ ba, do nhu cầu về thanh toán xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm tăng, đặc biệt trong những tháng đầu năm thì nhập siêu đã quay trở lại.
Mặc dù tỉ giá tăng nhưng thời gian qua trong nước không có sự căng thẳng về ngoại tệ. Nhu cầu chính đáng về ngoại tệ của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ. NHNN vẫn kiểm soát được tỉ giá đồng thời đảm bảo được mục tiêu của các chính sách tiền tệ, đảm bảo được cân đối vĩ mô. “Điều quan trọng là tỉ giá VND/USD tăng nhưng chênh lệch giữa tỉ giá niêm yết của ngân hàng với thị trường tự do có biên độ không đáng kể. Qua đó tạo điều kiện cho thị trường tỉ giá vẫn ổn định dù giá có tăng” - ông Minh khẳng định.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá: Trong những tháng đầu năm tình trạng nhập siêu đã quay trở lại, tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư ngoại hối. Bởi lẽ khi nhập siêu tăng đồng nghĩa với cầu ngoại tệ cũng tăng theo khiến giới đầu tư dễ liên tưởng đến sự thiếu hụt nguồn cung đồng USD. Qua đó, kích thích tâm lý đầu tư, đầu cơ của các nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối. Ngoài ra, nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất đồng bạc xanh thêm vài lần trong năm nay. Trước giờ cứ mỗi lần dự báo FED sẽ tăng lãi suất thì giá trị của đồng USD sẽ tăng lên.
“Tỉ giá vốn nhạy cảm với mọi biến động của nền kinh tế, với hàng loạt yếu tố ngoại quan trên. Vấn đề tỉ giá tăng nóng trong thời gian vừa qua là điều hoàn toàn có thể lý giải được” - ông Hiếu phân tích.
Nếu nâng lãi suất huy động, dòng ngoại tệ từ cư dân sẽ chảy nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng. Ảnh: T.LINH
Nên nâng trần lãi suất để giữ dòng vốn
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, nhận định: Xác suất về khả năng tăng lãi suất của FED trong năm nay, thậm chí ngay trong tháng 3-2017, là rất cao. Đã có nhiều dự báo của nhiều tổ chức về khả năng tăng lãi suất của FED ngay trong tháng 3 này với xác suất lên tới 70%-80%. FED đang dần thay đổi quan điểm lẫn phát ngôn của mình và gia tăng tần suất tăng lãi suất. Nguyên do là những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump khó dự báo, có thể đẩy nhanh lạm phát nên FED đã chọn cách chủ động kiểm soát tình hình. Hai năm liên tiếp gần đây FED chỉ tăng một lần lãi suất mỗi năm. Nếu quý I-2017 FED đã tăng lãi suất thì dự báo tần suất tăng lãi suất năm 2017 phải lớn hơn một.
Đồng bạc xanh mạnh lên sẽ làm giá trị của bất động sản, chứng khoán hay các tài sản được định giá bằng USD trở nên đắt hơn. Đặc biệt, nếu giá những tài sản này cũng tăng cùng chiều với USD sẽ khiến mức tăng còn gấp nhiều lần hơn nếu so với các tài sản khác hay chứng khoán các nước khác được định giá bằng những đồng tiền giảm giá so với USD. Các tài sản này khi đó sẽ trở nên ngày càng đắt đỏ hơn bình thường, dần làm chùn tay nhà đầu tư ở các thị trường liên quan. Động thái chốt lời của các nhà đầu tư với những tài sản đắt đỏ cũng diễn ra mạnh hơn, tác động xấu đến các thị trường khác.
“FED đã nhận thấy điều này nên bắt đầu gia tăng mạnh hơn khả năng tăng lãi suất để giảm bớt dòng tiền, khống chế lạm phát, làm “nguội” đi phần nào “dòng tiền nóng” và ngăn cản sự đổ vỡ hệ thống như năm 2008. Với chu kỳ kinh tế và thị trường tài chính xảy ra 10 năm/lần thì việc FED đang hành động nhanh hơn là điều có thể hiểu được” - ông Khánh cho biết.
Ông Hiếu cho rằng rất khó để đoán định được diễn biến trên thị trường ngoại hối. Áp lực lên tỉ giá bởi các yếu tố ngoại quan từ nay đến cuối năm còn mạnh hơn so với áp lực từ đầu năm tới bây giờ. Có thể đến cuối năm tỉ giá sẽ tăng thêm khoảng 3%. “Do đó đã đến lúc các nhà điều hành nên cân nhắc để nâng lãi suất tiền gửi USD, cũng như các chính sách thuế khóa, tạo ra môi trường đầu tư thương mại chuẩn mực, hấp dẫn để “giữ chân” dòng vốn đầu tư nước ngoài không chạy khỏi Việt Nam. Dòng vốn đầu tư FDI rất quan trọng, bởi kiều hối đã giảm trong năm vừa rồi và có thể sẽ tiếp tục giảm trong năm nay” - ông Hiếu nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]