Mới đây nhất, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An) với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng sau 10 năm khởi công xây dựng được phát hiện đã nằm… “đắp chiếu” do công nghệ không phù hợp, thiếu vùng nguyên liệu.
Đáng cười thay, chủ dự án này khi thành lập nhà máy cũng không hề có vốn và được bảo lãnh vay vốn nhập thiết bị “không phù hợp” nhưng lại “ngốn” hơn 57 triệu Euro.
Dự án nghìn tỉ “đắp chiếu” không phải chuyện lạ?
Thực tế, chuyện dự án trăm tỉ, nghìn tỉ “đắp chiếu” không còn là chuyện lạ khi ở tỉnh này, tỉnh kia liên tục có các dự án “không phù hợp”, “không cần thiết” với nhu cầu sử dụng của người dân, không mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu ngân sách cho địa phương... Có thể kể đến một loạt các “siêu dự án” như Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi công từ năm 2007 với mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm khởi công, đến năm 2012, dự án này đã buộc phải dừng lại do thiếu vốn. Cụ thể, những biến động về giá nguyên vật liệu, giá đất đai… đã khiến tổng mức đầu tư dự án bị “đội” lên gấp hơn 2 lần tới hơn 8.100 tỷ đồng. Tính đến nay, dự án đã bị bỏ hoang gần 4 năm.
Trước đó không lâu, dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) cũng dừng sản xuất từ tháng 9.2015 dù chỉ mới được đưa vào vận hành hơn… 1 năm (từ tháng 5.2014). Đây là dự án có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng với kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giá trị lên tới 1,6 tỷ USD/năm để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Và một loạt các dự án nghìn tỉ khác được “rầm rộ” khởi công nhưng “lặng lẽ”… “đắp chiếu”, hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây tổn hại nặng cho ngân sách nhà nước được “mọc” ra ở khắp các tỉnh thành khắp cả nước. Chẳng hạn, Nhà máy Đạm Ninh Bình (Ninh Bình) có công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, được khởi công xây dựng từ năm 2008 và đi vào hoạt động từ năm 2012. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy luôn trong tình trạng “lỗ nặng”. Cụ thể, theo báo cáo tài chính thì năm 2012, nhà máy này lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng; năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Tổng cộng lỗ lũy kế tới nay đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
Hoặc, Nhà máy Ethanol (nhiên liệu sinh học) Bình Phước có tổng mức đầu tư 84 triệu USD (khoảng 1.995 tỷ đồng), được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2012. Thế nhưng, sau khi vận hành thử nghiệm không lâu thì ngừng hoạt động. Tình trạng cũng tương tự với Nhà máy Ethanol Phú Thọ được khởi công từ tháng 6.2009, tổng mức đầu tư của dự án này là 2.400 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2012. Thế nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, nhà máy dừng thi công do thiếu vốn.
Một dự án cũng tốn “không ít giấy mực” vì có số vốn đầu tư nghìn tỉ nhưng sau đó bị thu hồi là dự án Nhà máy Gang thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh). Theo hồ sơ, dự án này được đầu tư với số vốn lên tới hơn 1700 tỷ đồng nhưng sau đó đã bị tỉnh Hà Tĩnh chính thức chấm dứt, xóa bỏ, thu hồi đất của dự án…
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nằm… “đắp chiếu” đã 4 năm
Còn “bầu sữa ngân sách”, thì còn dự án… “ma”
Thực tế, việc lãng phí ngân sách ở các “siêu dự án đắp chiếu”, theo các chuyên gia kinh tế thì sẽ vẫn tồn tại nếu còn cơ chế xin - cho, đợi ngân sách rót vốn, thiếu tính công khai minh bạch, thiếu sự đóng góp phản biện của các chuyên gia…
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dự án nghìn tỉ bị “đắp chiếu” không phải là chuyện lạ, thậm chí, chỉ là một phần nhỏ trong những dự án điển hình của đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công. Theo ông Thành, mỗi dự án muốn đạt được hiệu quả thì phải bắt đầu bằng bản nghiên cứu khả thi một cách nghiêm túc, nếu không khả thi thì không làm, đừng có vì những lý do gì khác mà cứ thúc đẩy các dự án chưa được nghiên cứu đầy đủ về lợi ích kinh tế và điều kiện của thị trường để dẫn tới vấn đề không hiệu quả, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế giảng dạy tại ĐH Kinh tế TP.HCM, lại thẳng thắn, chính những thất thoát, lãng phí ở hàng loạt các dự án ngàn tỷ dẫn đến chỉ số ICOR mới cao và hiệu quả đầu tư mới thấp. Kết quả là tình trạng bội chi, áp lực nợ công ngày càng lớn, bởi Việt Nam vẫn phải đi vay để đầu tư. Chính vì vậy, nhà nước phải kiểm soát được những thất thoát, lãng phí đó bằng việc siết chặt quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, phải thẩm định chặt, đấu thầu tốt, thi công đảm bảo.
Sau cùng, theo chuyên gia này thì nên bỏ đi tư tưởng ỉ lại vào nguồn ngân sách vì nếu còn “dựa dẫm” vào ngân sách thì sẽ còn những dự án… “ma”.
“Thực tế, không phải chỉ ở khâu thi công công trình mới có thất thoát, lãng phí mà tình trạng này có thể có ngay từ khâu lập dự án, thẩm định dự án. Chẳng hạn, người ta có thể “đội” dự toán lên để ăn chia chênh lệch, lựa chọn các nhà thầu “sân sau” thiếu năng lực… đó không chỉ là thất thoát, lãng phí, mà còn là tham nhũng. Vì vậy, nhà nước phải kiểm soát kỹ, chặt chẽ bởi thất thoát, lãng phí và tham nhũng có thể “phá nát” thành quả của nền kinh tế”, chuyên gia này nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]