Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn hôm qua ra tuyên bố quyết liệt rằng nước này sẽ "không chịu lùi bước" trước lời đe dọa sẽ áp thuế lên gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Ông Chung còn cho rằng Mỹ "không hiểu gì về lịch sử và văn hóa Trung Quốc" và cảnh báo nước này "không nên xem thường quyết tâm và ý chí" của Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng thông điệp này của Bắc Kinh cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài với quyết tâm "chiến đấu đến cùng" từ cả hai phía. Trong cuộc chiến đó, chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc đều là lôi kéo thật nhiều đồng minh về phía mình để gây sức ép với đối phương, điều có thể khiến nhiều quốc gia trên toàn cầu được hưởng lợi, theo Business Times.
Tập Cận Bình (trái) gặp Donald Trump khi đến thăm Mỹ năm 2017. Ảnh:Reuters.
Theo Daniel Gros, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS), những bước đi gần đây của Mỹ tiết lộ ngày càng rõ chiến lược thương mại của Tổng thống Trump. Mỹ vừa ký hiệp định thương mại mới với Mexico và Canada (USMCA), trong đó có "điều khoản thuốc độc" nhằm giữ chân các đối tác này và trừng phạt bất cứ nước nào tham gia hiệp định tự ý ký thỏa thuận thương mại với một quốc gia có nền kinh tế "phi thị trường".
Mỹ cũng đang tìm cách đàm phán để ký thỏa thuận tương tự với Nhật và Liên minh châu Âu, nhằm tăng sức ép thương mại tối đa lên Trung Quốc, buộc nước này phải nhượng bộ. Mỹ cuối tháng 9 cũng ký hiệp định thương mại tự do sửa đổi với Hàn Quốc, được Trump ca ngợi là "cột mốc lịch sử về thương mại" song phương, dù giới phân tích cho rằng nó không khác quá nhiều so với hiệp định trước đây.
Gros cho rằng những thỏa thuận thương mại Mỹ vừa ký cho thấy các nước chỉ cần đưa ra một số nhượng bộ nhỏ là đủ làm hài lòng Trump và có thể tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Đối thủ duy nhất mà Trump muốn dồn sức đối phó là Trung Quốc, quốc gia bị ông coi là "kẻ thù số một" của Mỹ.
Trump phát biểu về hiệp định USMCA tại Nhà Trắng hôm 1/10. Ảnh:Reuters.
Nếu Trump quyết tâm thực hiện lời đe dọa áp thuế với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ở châu Âu sẽ được hưởng lợi thế cạnh tranh trước sản phẩm Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Trong khi đó, việc Bắc Kinh trả đũa bằng đòn áp thuế tương tự với hàng hóa của Washington sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng lên, tạo lợi thế cho hàng sản xuất ở châu Âu và châu Á.
Một phần quan trọng trong thương mại Mỹ - Trung do đó sẽ được chuyển sang cho châu Âu, Nhật và các nền kinh tế châu Á gần thị trường Trung Quốc. EU nhiều khả năng là bên được hưởng lợi nhiều nhất bởi họ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của cả Mỹ và Trung Quốc.
"Miếng bánh" này có thể sẽ ngày càng lớn hơn cùng với mức độ khốc liệt trong đòn áp thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ hiện nay đang áp mức thuế 10% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng lên tới 25% vào năm sau, cao gấp 10 lần mức thuế trung bình mà Mỹ áp với hàng nhập khẩu từ các nước khác. Giá trị hàng hóa chịu thuế của Trung Quốc cũng có thể tăng lên đáng kể nếu hai nước không sớm đạt được thỏa thuận giải quyết chiến tranh thương mại.
Lôi kéo đồng minh
Trong bối cảnh đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ra sức thuyết phục các nền kinh tế trên thế giới tăng cường hợp tác thương mại với mình để giảm nhẹ thiệt hại từ đòn áp thuế của đối phương và tạo lợi thế trên chiến trường thương mại, theo Bloomberg.
189 thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần này sẽ gặp nhau tại hội nghị thường niên trên đảo Bali, Indonesia, nơi lãnh đạo các nước sẽ thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu. Đây được coi là cơ hội để các quan chức Mỹ và Trung Quốc vận động cho liên minh kinh tế của mình, theo bình luận viên Andrew Mayeda và Enda Curran.
Một bên sẽ là Tổng thống Trump với lập luận rằng ảnh hưởng tiêu cực từ các đòn áp thuế của ông là cái giá cần phải trả để buộc Trung Quốc chấm dứt những hành vi mà ông gọi là "thủ đoạn thương mại bất công và ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ".
Ở bên kia chiến tuyến, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tìm cách thuyết phục mọi người rằng Trung Quốc là quốc gia ủng hộ toàn cầu hóa và trật tự thương mại hiện nay. Ông Tập và nhiều quan chức Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc phá vỡ trật tự này, đồng thời cam kết sẽ dần dần mở cửa thị trường Trung Quốc.
Không chỉ hứa hẹn mở cửa thị trường với châu Âu, Bắc Kinh còn đưa ra "củ cà rốt" là những khoản đầu tư lớn thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập nhằm kết nối cơ sở hạ tầng từ châu Á tới châu Âu.
Ông Tập (phải) tiếp Thủ tướng Anh Theresa May đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2. Ảnh:AP.
Trong một cuộc họp hồi tháng 7, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom ca ngợi những cam kết mở cửa thị trường và chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh họ cần được thấy "những lời nói này biến thành hành động vững chắc".
"Cuộc đấu tranh giành giật đồng minh thương mại ngoài các liên minh chính trị đang thực sự diễn ra", George Magnus, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Trung Quốc ở Đại học Oxford, nói. "Đây không phải là cuộc tranh chấp thương mại bình thường như những gì diễn ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Nhật vào thập niên 1980. Đây là vấn đề sống còn".
Gros nhận định những đòn đánh quyết liệt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến diện mạo thương mại toàn cầu thay đổi đáng kể. Những biến động đó chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và Trung Quốc, khi người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu phải chi nhiều tiền hơn, nhưng lại đem đến lợi ích cho hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
"Trong lúc Mỹ tìm cách ký các thỏa thuận thương mại mới, Trung Quốc cũng có thể đối phó bằng cách tăng cường hợp tác với các nước khác, chẳng hạn như nhập đậu nành từ Brazil thay vì Mỹ", chuyên gia này nói. "Bởi vậy, nhiều nước trên thế giới có lý do để tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại kéo dài này".
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]