Tại buổi tọa đàm trực tuyến “BizTALK: Làm ăn gì năm 2016?”, TS Doanh phân tích, hiện lạm phát đang ở mức thấp, dưới 1% và khả năng đến cuối năm mới lên 1%. Đây là mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.
Lãi suất cho vay đang “cao bất thường”
“Trong khi lạm phát thấp như vậy nhưng lãi suất lại cao một cách bất thường với lãi suất huy động trung bình 5%, còn lãi suất cho vay ngắn hạn 7 - 9%/năm, dài hạn từ 9 - 11%/năm. Tùy từng doanh nghiệp mà lãi suất cho vay bao nhiêu. Trong khi đó, lãi suất cho vay ở Thái Lan chỉ có 3%, Trung Quốc 4%. Điều này làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng cao”, TS. Doanh phân tích.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng chênh lệch lãi suất và huy động của các ngân hàng hiện đang ở mức cao và cần phải giảm xuống, bởi trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp rất cần giảm lãi suất để hỗ trợ.
“Ngân hàng chỉ cần mức chênh lãi suất khoảng 3 - 4%, nhưng với hiện nay thì mức chênh cao rất nhiều. Điều cần nói là số lượng doanh nghiệp bị vay vốn với lãi suất 11% có lẽ là rất nhiều. Tại sao lại như vậy?”, ông Hiếu băn khoăn.
Nói về mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay cao, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng một phần nguyên nhân là do chi tiêu ngân sách đã vượt quá phần của khu vực tư nhân.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 đã bám sát với tình hình chính sách kinh tế vĩ mô.
Thực tế đầu năm, Chỉ thị 01 của Thống đốc đã đưa ra một số chỉ tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát và một số chính sách về lãi suất, tỷ giá…
“Với việc hỗ trợ giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhẹ từ 0,3 - 0,5 %/ năm. Thực tế, lãi suất cho vay tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhiều ngân hàng cạnh tranh về mặt lãi suất đối với doanh nghiệp tốt”, ông Nguyễn Đức Long nói.
Theo ông Long, việc tiếp cận vốn và lãi suất còn phụ thuộc vào phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, hoạt động tốt thì lãi suất cho vay sẽ thấp, thậm chí các ngân hàng còn phải tranh nhau để cho vay những khách hàng này.
Đối với những doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng đã giảm lãi suất, cơ cấu lại tín dụng. Đồng thời ngân hàng triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp.
“Thực tế, lãi suất đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tuy vậy, việc giảm lãi suất vẫn có khó khăn nên rất mong các doanh nghiệp có sự đồng cảm, chia sẻ”, ông Long nói.
Ngân hàng lớn của Việt Nam cũng bị đánh giá non kém
Câu chuyện của lĩnh vực ngân hàng còn có sự đánh giá về năng lực của ngân hàng. Bên cạnh tự đánh giá những tiến bộ đạt được, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý rằng cần phải quan tâm việc nước ngoài và các tổ chức tín dụng đang đánh giá Việt Nam như thế nào.
“Năm nay nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá tốt trong việc tạo được ổn định trong kinh vĩ mô, lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng không dưới 17%. Trong các chuyến công du nước ngoài, đoàn Việt Nam được đón tiếp rất nồng hậu”, ông Hiếu nói.
Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định tự do, sắp tới sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đây là một bức tranh thay đổi cả số phận Việt Nam trong một thời gian rất ngắn.
Trong khi đó, để các cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu đánh giá Việt Nam, thì điểm tín nhiệm đang ở mức rất thấp với BB- và B1, thuộc loại không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ.
Ngay cả những ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng bị đánh giá còn non kém. “Chúng ta không nên nhầm lẫn đánh giá triển vọng tốt đẹp với điểm tín nhiệm. Và chúng ta cần tăng điểm tín nhiệm của ngân hàng”, ông nói.
IFC là công ty con của World Bank đã làm khảo sát quản trị doanh nghiệp. Kết quả là Thẻ điểm của Việt Nam là 42,5/100 vào năm 2012, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đây là điểm chấm cho quản trị, vận hành, chủ yếu tập trung vào bộ máy.
Theo một khảo sát khác, Việt Nam nằm ở nhóm số 9/10 về đánh giá chất lượng, trong đó nhóm số 1 là chất lượng tốt nhất, số 10 là yếu nhất. Rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam là quá lớn.
“Trong thời gian qua, tôi đi gặp một số ngân hàng lớn của thế giới có trụ sở ở TP.HCM mở tài khoản cho ngân hàng tôi đang phục vụ, các ngân hàng ở Việt Nam dưới cái nhìn của các ngân hàng thế giới ở mức 4/4 vì độ rủi ro quản trị lớn. Họ từ chối mở tài khoản cho tôi vì đây là yêu cầu của hội sở và chỉ mở đối với 1 vài ngân hàng của Việt Nam mà đã có giao dịch với hội sở”, TS. Hiếu dẫn chứng.
Về những con số xếp hạng của ngân hàng Việt Nam được ông Hiếu đưa ra, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết đánh giá về quản trị doanh nghiệp thì từ 2012 đến nay đã có sự thay đổi.
“Khi xếp hạng, các cơ quan thường xem báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trước đấy số doanh nghiệp có báo cáo tài chính bằng tiếng Anh rất ít. Hai năm gần đây đã tăng lên. Vậy nên kì vọng đánh giá về hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2014 trở đi sẽ tốt hơn, nhất là về độ minh bạch tài chính”, ông Tuấn cho biết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]