Lợi nhuận chủ yếu từ tín dụng
Khoảng cuối năm 2012 đầu 2013, khi tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn, lãi suất cho vay giảm theo định hướng điều hành của NHNN tác động mạnh đến lợi nhuận, các NHTM mới thực sự chú trọng vào việc phải tăng nguồn thu từ dịch vụ bù đắp vào lợi nhuận. Bùng nổ của việc tăng nguồn thu từ dịch vụ là việc NH chạy đua cạnh tranh trong các dịch vụ như phát hành thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế, phát hành tín dụng thư (L/C), thanh toán quốc tế, dịch vụ chuyển tiền dành cho doanh nghiệp, cá nhân để vực dậy lợi nhuận. Đến thời điểm này, theo báo cáo tài chính của các NHTM, lãi từ dịch vụ của các NHTM có tăng so với trước, nhưng vẫn chưa có nhiều đóng góp đáng kể.
Chẳng hạn tại Vietcombank, thu nhập lãi thuần 9 tháng năm 2015 đạt gần 11.016 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 1.394 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ của BIDV chỉ khoảng 1.600 tỷ đồng, còn thu nhập lãi thuần đạt hơn 13.700 tỷ đồng. Mức thu nhập lãi thuần của VietinBank là 14.500 tỷ đồng, còn khoản lãi thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chỉ hơn 1.000 tỷ đồng.
Ở các NHTMCP, Sacombank thu nhập thuần từ lãi đạt 5.701 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ 820 tỷ đồng; MB thu nhập lãi thuần 5.477 tỷ đồng, còn lãi từ dịch vụ gần 442 tỷ đồng; Techcombank thu nhập lãi thuần 5.146 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ đạt 788 tỷ đồng… Nhiều NH khác có mức thu nhập lãi thuần trên 2.000 tỷ đồng nhưng lãi từ dịch vụ chỉ đạt khoảng 100-200 tỷ đồng.
Theo chuẩn mực của các NH lành mạnh, lợi nhuận từ tín dụng chỉ ở mức 50-55%, phần còn lại thu từ dịch vụ. Tuy nhiên ở Việt Nam, lãnh đạo các NHTM cho biết 70-80% lợi nhuận của các NHTM phụ thuộc vào tín dụng. Vài năm gần đây, các NH cũng nỗ lực phát triển theo định hướng tăng nguồn thu từ dịch vụ, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, nhưng đến nay vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng. Trong khi đó, ở góc độ người sử dụng dịch vụ, khi nói đến dịch vụ NH, hầu hết khách hàng đều cho rằng chính sách chưa thuận tiện và NH đang lạm thu các loại phí.
Phí dịch vụ mỗi NH mỗi kiểu
Thí dụ chị Cao Thanh Hồng (quận 3, TPHCM) phản ánh mới đây chị đến một chi nhánh tại quận 3 của một NHTM nhà nước mở tài khoản cho công ty nhưng không thành công, vì số điện thoại chị đăng ký nhận thông báo biến động tài khoản đã sử dụng cho tài khoản cá nhân. Nhân viên giao dịch tư vấn nếu chị muốn mở tài khoản cho công ty nên mua số điện thoại mới.
Khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng để nhờ tư vấn, chị được trả lời việc đăng ký 1 số điện thoại cho tài khoản cá nhân và công ty được chấp nhận, song chính sách này chưa triển khai rộng, nếu có nhu cầu chị nên quay lại để yêu cầu chi nhánh liên hệ với trụ sở chính để được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, khi rút tiền tại ATM, NH này quy định mỗi lần được rút tối đa 5 triệu đồng nhưng không quá 35 tờ, do đó rất nhiều lần chị gặp trường hợp máy ATM chỉ có tờ 100.000 đồng nên chỉ rút tối đa chỉ được 3,5 triệu đồng/lần. Như vậy, nếu cầu rút 20 triệu đồng phải rút 6 lần thay vì 4 lần, vừa mất thời gian và phí giao dịch rút tiền cũng đội lên.
Ngoài ra, việc thu phí của các NH cũng khiến khách hàng cảm thấy không hài lòng. Nhiều công ty cho biết, trường hợp rút tiền từ tài khoản công ty tại chi nhánh khác chi nhánh mở tài khoản phải chịu phí đến 22.000 đồng, chuyển khoản số tiền lớn trong cùng hệ thống mất phí đến 0,02% trong khi bên nhận phải đóng 0,01% nếu nhận tiền không cùng chi nhánh mở tài khoản. Một số khách hàng cá nhân khi tất toán sổ tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên cũng mất phí 0,01%. Trong khi đó, đối với chính sách thu phí, NHNN không can thiệp mà mỗi NH có thể xây dựng biểu phí riêng tùy theo nhu cầu cạnh tranh, nên mỗi nơi thu phí mỗi kiểu khác nhau.
Những chính sách thiếu linh hoạt của NHTM dẫn đến việc thiếu niềm tin vào các dịch vụ NH cung cấp, điều này ảnh hưởng không ít đến nguồn thu từ dịch vụ và thậm chí còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Như với dịch vụ thẻ, 2 năm nay các NHTM đã chạy đua khốc liệt để chào mời khách hàng mở thẻ.
Theo thống kê của Hội thẻ NH Việt Nam, đến năm 2015 lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt gần 86 triệu thẻ, tăng 30% so với cuối năm 2013, nhưng thực tế Banknet.vn thống kê có khoảng 50% số thẻ thanh toán đang lưu hành không hoạt động, không phát sinh bất cứ giao dịch nào, gây ra lãng phí lớn. Điều này đồng nghĩa với việc NH chỉ chú trọng việc khách hàng mở thẻ để thu phí, nhưng sau đó không có chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng để tạo ra lợi ích lâu dài cho cả khách hàng và NH.
Cùng với thẻ, các dịch vụ phi tín dụng khác dành cho doanh nghiệp lẫn cá nhân đều có phản ánh chung là mức phí khá cao trong khi phục vụ chưa đồng bộ, chưa chuyên nghiệp, cùng một tình huống nhưng các chi nhánh của cùng 1 NH lại xử lý khác nhau, gây ra phiền toái và tốn kém thời gian cho khách hàng.
Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã yêu cầu từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng. Tuy nhiên đến nay thời hạn của đề án đã sắp kết thúc nhưng thực tế tại thời điểm này các NH thừa nhận vẫn phụ thuộc đến hơn 70% vào tín dụng. Như vậy sau 5 năm mục tiêu này vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]