“Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta cần lộ trình định giá lại tiền VND. Trường hợp này của Việt Nam không thể có khái niệm phá giá, mà định giá lại giá trị tiền VND. Hiện tiền VND đang được định giá cao chứ có phải cân bằng đâu. Chỉ khi nào tiền VND nằm ở trạng thái cân bằng của tỷ giá mà điều chỉnh thì mới gọi là phá giá. Do vậy, chúng ta phải định giá lại tiền VND để cho cân bằng thị trường”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông có thể nói rõ hơn những tác động đến tỷ giá của Việt Nam sau quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed?
Động thái Fed tăng lãi suất đã biểu hiện rất rõ trên thị trường Việt Nam thời gian qua khi tỷ giá tăng lên kịch trần, thậm chí thị trường tự do còn tăng vượt trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Động thái điều chỉnh lãi suất của Fed phản ánh đúng kỳ vọng của thị trường và sẽ tạo ra sức ép lên chính sách tỷ giá, lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vì sau khi Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên và dòng vốn có xu hướng dịch chuyển về Mỹ, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp FII. Khi dòng vốn có xu hướng dịch chuyển như vậy sẽ có tác động đến các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù dòng vốn FII vào Việt Nam không quá lớn nhưng TTCK Việt Nam là thị trường mới nổi và nhiều dòng vốn đã có kế hoạch vào Việt Nam. Nhưng nay Fed tăng lãi suất, những dòng vốn sẽ chững lại và chảy vào Mỹ để hưởng lãi suất cao. Chính vì vậy nó sẽ tạo sức ép rất lớn đến chính sách tỷ giá của Việt Nam.
Đó là trạng thái để lường trước phản ứng của thị trường. Nếu không lường trước được trong thời gian tới nhiều nước sẽ tăng lãi suất để giữ dòng vốn đó lại thì sức ép lên tỷ giá của Việt Nam càng lớn. Khi đó NHNN sẽ đứng trước sự lựa chọn hoặc là chấp nhận điều chỉnh tỷ giá, hoặc lãi suất trong nước sẽ tăng.
Đó là quy luật cân bằng. Nếu không điều chỉnh tỷ giá thì lãi suất sẽ tăng, bởi vì thị trường cần duy trì tỷ suất sinh lời bằng đồng nội tệ để giữ được dòng vốn không tháo ra bên ngoài và thu hút dòng vốn bên ngoài đổ vào. Nhưng lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước.
Nếu NHNN không muốn tăng lãi suất thì buộc phải điều chỉnh tỷ giá, tức là nới lỏng cung tiền để tăng tỷ giá. Nếu làm như vây sẽ không gây sức ép lên nền kinh tế, duy trì lãi suất thấp nhưng lại hỗ trợ xuất khẩu của chúng ta. Theo quan điểm của tôi, lựa chọn điều chỉnh tỷ giá hơn là để lãi suất tăng.
Vậy theo ông năm 2016 tỷ giá VND/USD điều chỉnh bao nhiêu thì đạt được mức hỗ trợ cho xuất khẩu, tốt cho sản xuất trong nước?
Tôi nói rất nhiều lần rồi, công bố điều chỉnh không quá 2% của NHNN trong mấy năm quá rất là thiếu căn cứ. Năm nay, NHNN tuyệt đối không nên đưa ra tuyên bố “cứng” là điều chỉnh 2%, 3%... mà đưa ra thông điệp rõ ràng là tỷ giá sẽ tăng theo tín hiệu thị trường.
Việc tuyên bố “cứng” biên độ 2% đã tạo cho thị trường sự ỷ lại rất lớn vào NHNN.
Tôi nói rất nhiều trong những lần phát biểu của mình rằng “tuyên bố 2% là không dựa vào yếu tố nào cả vì diễn biến thị trường tài chính thế giới biến động rất phức tạp”. Hôm nay ta nói thế này nhưng ngày mai đã khác rồi. Làm sao có thể trong cuối năm 2015 này lại tuyên bố kế hoạch cho cả năm 2016 là 2% hay 5%.
Quan trọng hơn, việc tuyên bố “cứng” tỷ giá đã tạo tâm lý ỷ lại. Khi không giữ được mức tỷ giá đó thì mọi lỗi lại đổ lên NHNN. Ví như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chẳng hạn, làm ăn thua lỗ thì lại đổ lỗi NHNN do không giữ được tỷ giá cam kết. NHNN cần phải rút ra được bài học như vậy.
Theo tôi, thay vì tuyên bố 2%, 3%, NHNN phát đi thông điệp về việc không loại trừ khả năng điều chỉnh tỷ giá để phản ánh theo tín hiệu thị trường trong và ngoài nước.
Có nghĩa là việc điều chỉnh tỷ giá cũng cần có lộ trình, chứ không thể đùng một cái là điều chỉnh tỷ giá lên 9,3% như đầu năm 2011.
Ý ông muốn nói về một lộ trình điều chỉnh tỷ giá có sẵn như cách mà Fed đang làm hiện nay với lãi suất của họ?
Đúng vậy. Lộ trình của Fed cũng như thế. Ngày 16/12, khi điều chỉnh lãi suất, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed phát biểu: “Tôi sẽ cho các bạn công thức đơn giản về những gì có thể cần để lãi suất có thể tăng thêm một lần nữa”.
Thông điệp như thế của Fed để thị trường thấy không thể loại trừ khả năng lãi suất tăng thêm một lần nữa và doanh nghiệp sẽ chủ động biện pháp phòng ngừa rủi ro khi lãi suất tăng. Chứ không thể đùng một cái là “đánh du kích” tỷ giá, như thế là không được.
Tại sao phải đánh “du kích” với nền kinh tế như thế? Như vậy thì làm sao duy trì được niềm tin của thị trường? Tại sao chúng ta cứ làm ngược với thế giới và rồi lại tự hào mình là đặc thù?
Với Việt Nam liệu việc đặt ra lộ trình cho tỷ giá có khả thi không?
Việt Nam cần phải học cách ứng xử minh bạch với tỷ giá để bỏ tính ỷ lại và tạo niềm tin cho thị trường.
Lộ trình điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam cũng không cần phải to tát, nhất thiết là điều chỉnh 1% hay 2% mà có thể điều chỉnh giá giao dịch VND/USD trên thị trường liên ngân hàng. Ví dụ hôm nay đang giao dịch ở mức 21.890 đồng/USD thì ngày mai có thể nâng thêm 30 đồng, ngày hôm sau nữa nâng tiếp 30 đồng… chứ không nên cứng nhắc mức giá đó như vậy mãi.
Cách điều hành này sẽ giảm được sự ỷ lại của thị trường và kỳ vọng. Chứ không thể nào hôm nay điều hành thế này, ngày mai lại điều chỉnh tăng. Chính sách đó không phù hợp. Thực tế, chúng ta phải trả giá rất nhiều trong mấy năm qua vì đã điều hành như vậy.
Đồng USD mạnh lên, nên chúng ta phải điều chỉnh tỷ giá trong năm 2016. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là đồng USD mạnh kép do hai tác động. Thứ nhất là tỷ giá nền kinh tế mới nổi giảm nhiều như Trung Quốc, Brazil, đồng tiền chung châu Âu (Euro)… Việc giảm giá đồng tiền đã làm cho đồng USD mạnh lên.
Nay Fed điều chỉnh tăng lãi suất thì đồng USD lại mạnh lên, có nghĩa là mạnh kép nên không có lý do gì tỷ giá VND/USD không điều chỉnh. Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta cần lộ trình định giá lại đồng VND. Trong trường hợp này của Việt Nam không thể có khái niệm phá giá, mà định giá lại giá trị tiền VND.
Xin cảm ơn ông!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]