Trong vòng chưa đầy một tháng, 2 điều bất thường đã xảy ra tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Đầu tiên, nó không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải để dành tiền mặt nếu khách muốn bán đồng tệ, tạo điều kiện cho đồng tệ suy yếu. Thứ 2, PBOC đã loại bỏ cái gọi là yếu tố phản chu kỳ, một trong 3 trụ cột được sử dụng để định giá đồng tệ hàng ngày. Những công cụ quan trọng này được thiết lập năm 2015 và 2017 để ngăn chặn sự rơi tự do của đồng tệ.
Quý trước cũng là quý tốt nhất của đồng nhân dân tệ trong hơn 1 thập kỷ. Giờ đây, Bắc Kinh cần ngăn đồng tiền của mình mạnh lên quá mức, đặc biệt là khi cuộc đua vào Nhà Trắng chuẩn bị ngã ngũ và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vẫn được dự báo dẫn trước.
Ngay cả khi ông Biden duy trì những quan điểm chống Trung Quốc đi chăng nữa thì chính sách của vị cựu Phó tổng thống vẫn được cho là dễ đoán hơn so với đương kim Tổng thống Donald Trump. Điều này tốt cho đồng tệ. Trên thực tế, các giao dịch tiền tệ đã diễn ra trước đó khi các nhà hoạch định chính sách đặt cược vào một "làn sóng xanh" trên chính trường Mỹ, ám chỉ chiến thắng áp đảo của người Dân chủ.
Trong 2 năm qua, đồng tệ của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến động địa chính trị. Trong khi đó, các chỉ số định giá truyền thống, chẳng hạn như thặng dư tài khoản vãng lai và chênh lệch lãi xuất, đều giảm xuống mức thấp. Hiện nay, ông Trump đang yếu thế và nền kinh tế Trung Quốc đang mạnh trở lại. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ tiếp tục vật lộn với Covid-19, thậm chí phải duy trì phong tỏa. Những điều này khiến triển vọng của đồng tệ trở nên khả quan hơn.
Việc kiềm chế sự biến động quá mức của đồng tệ sẽ là rất quan trọng nếu Bắc Kinh muốn giữ dòng tiền từ nước ngoài đổ vào ổn định. Bị thu hút bởi lợi suất, các nhà đầu tư nước ngoài đã phớt lờ hàng loạt các yếu tố khác, liên tục đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc và có thể sớm vượt mặt các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc để trở thành người mua lớn thứ 2 trong năm nay.
Nếu đồng tệ trở thành một món đồ chơi của các nhà đầu cơ và mua bán quá đà, các nhà đầu tư dài hạn sẽ phải lo lắng về bảo hiểm rủi ro tiền tệ và có thể sẽ dừng lại, đặc biệt là khi thị trường dường như tin rằng chiến thắng của đảng Dân chủ sẽ dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ cao hơn. Khoản chênh lệch 2,4% giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ bị thu hẹp lại.
Trong báo cáo của mình, HSBC Holdings Plc cho biết Bắc Kinh cần dòng vốn đầu tư nước ngoài ở thời điểm hiện tại. Chính phủ Trung Quốc đang trên đà phát hành 3,8 nghìn tỷ tệ trái phiếu trong năm nay, tương đương 568 tỷ USD. Con số này nhiều gấp 130% so với năm 2019. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chỉ mua ròng 56% lượng trái phiếu chính phủ, thấp hơn con số 65% của năm ngoái.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Trung Quốc và Mỹ.
Bắt đầu từ tháng 6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thắt chặt thanh khoản liên ngân hàng để không khuyến khích các nhà quản lý tài sản tận dụng các khoản vay giá rẻ và đầu tư vào các sản phẩm tài chính rủi ro. Lúc này, các ngân hàng đang thiếu tiền.
Đó là lý do vì sao vốn ngoại trở thành chìa khóa để lấp đầy lỗ hổng tài chính năm nay ở Trung Quốc. "Tăng giá chậm" là một trong những khẩu hiệu ưa thích ở Bắc Kinh, mang lại cho các nhà giao dịch trái phiếu quốc tế mức tăng tiền tệ ổn định.
Tuy nhiên, một mối quan ngại xác đáng được đưa ra là liệu POBC có từ bỏ các công cụ chính quá sớm hay không. Trên thực tế, ngay cả khi không có yếu tố phản chu kỳ, việc ấn định giá đồng tệ vẫn dựa vào 2 yếu tố: Giá đóng cửa của ngày hôm trước cũng như những biến động của đồng USD qua đêm. Điều này cho thấy giá đồng tệ vẫn sẽ được ổn định bởi những công cụ khác.
Nhìn khắp thị trường mới nổi, một đồng tiền không đủ để cho thấy hết tầm quan trọng của sự ổn định đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, Trung Quốc hài lòng rằng chiến thắng của ông Biden có thể làm giảm bớt một số thiệt hại mà ông Trump gây ra cho đồng tệ nhưng họ cũng không muốn đồng tệ tăng giá qua nhanh. Trung Quốc chỉ đang sẵn sàng cho một thế giới không có ông Trump.
Trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục trải qua những thăng trầm. Mỹ liên tiếp áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh mạnh tay đáp trả. Dẫu vậy, phía Trung Quốc vẫn luôn kêu gọi một sự xuống thang của nước Mỹ, điều đã không được ông Donald Trump chấp thuận.
Đại dịch Covid-19 cùng hàng loạt vấn đề địa chính trị khác đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Chống Trung Quốc cũng là một trong những chủ đề chính trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Rõ ràng, không ai ở Mỹ có thể làm đảo chiều mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là khi cả người Dân chủ và Cộng hòa đang cùng chia sẻ quan điểm chống Trung Quốc.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]