Ngay cả khi Trung Quốc giải quyết được các vấn đề hiện tại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng không tránh khỏi khó khăn do khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Kinh tế Trung Quốc trong quý III tăng trưởng 6,5%, mức thấp nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Lần đầu tiên sau 20 năm, doanh số bán ôtô giảm. Đầu tháng 1/2019, tập đoàn Apple từng cảnh báo về lượng iPhone tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận của hãng này. Thậm chí, sau đà tăng giá ngắn ngủi gần đây, thị trường chứng khoán tại Thượng Hải giảm hơn 1/4 so với mức cao nhất trong năm 2018. Triển vọng tương lai cũng khá ảm đạm.
Ảnh: Aaj News
Hàng rào thuế quan của Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Trung Quốc không thể “ngóc đầu lên nổi”, dẫn đến sản xuất và xuất khẩu trì trệ. Tình hình nhập khẩu tháng 12 đi xuống, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh như thế nào. Những hệ lụy trên buộc Trung Quốc phải nhượng bộ, ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ nhằm xoa dịu xung đột giữa hai bên.
Nếu hai cường quốc trên đạt được một thỏa thuận thương mại, yếu tố này có thể giúp trấn an các nhà đầu tư, thậm chí, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế (trong ngắn hạn) của Trung Quốc. Tuy nhiên, tương lai “hòa bình” với Donald Trump cũng không thể khiến cơn ác mộng của Tập Cận Bình biến mất, bởi cốt lõi vấn đề nằm ở cấu trúc tài chính của Trung Quốc.
Các ngân hàng bị rút vốn, các công ty phá sản, chính phủ liên tục tung ra các gói cứu trợ. Trung Quốc đã thực sự lâm vào một cuộc khủng hoảng. Mặc dù nó không giống với khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 hay khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Cuộc khủng hoảng này không đơn thuần là việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm. Mối lo ngại này đã hình thành từ lâu và dự kiến kéo dài. Cuộc khủng hoảng được xem là phép thử với tương lai kinh tế Trung Quốc, xác định Trung Quốc sẽ là trụ cột tăng trưởng kinh tế toàn cầu hay là mối đe dọa với sự ổn định của ngành tài chính thế giới.
Về bề ngoài, ý kiến cho rằng Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nghe có vẻ vô lý. Tăng trưởng suy giảm, tuy nhiên, các số liệu của chính phủ cho thấy đây vẫn là một nền kinh tế hùng mạnh. Xét trên quy mô lớn, các ngân hàng và các công ty vẫn đảm bảo khả năng thanh toán. Dấu hiệu hồi phục gần đây của đồng nhân dân tệ cũng là một tín hiệu tích cực. Sự lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc khiến các quốc gia nhập khẩu hàng hóa nước này trở nên e ngại. Ngược lại, trước tình hình hiện tại, người Trung Quốc tỏ ra khá bình tĩnh. Thái độ bình thản của người dân Trung Quốc đã phủ nhận về một cuộc khủng hoảng xảy ra ở nước này.
Khủng hoảng?
Thật vậy, Trung Quốc có thể không bao giờ phải hứng chịu suy thoái giống như cuộc khủng hoảng Phố Wall năm 2008. Vấn đề của Trung Quốc không giống như các quốc gia khác. Thay vì một “vụ nổ kinh tế” làm tê liệt các ngân hàng, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp, thì khủng hoảng ở Trung Quốc kéo dài triền miên, âm ỉ đến nỗi khó nhận thấy. Cuối cùng, thiệt hại thực tế thậm chí còn nặng nề hơn những vụ khủng hoảng trước đó.
Những năm trước, một vài người dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể suy thoái như khủng hoảng năm 2008. Các dấu hiệu gần đây cho thấy dự đoán trên sắp thành hiện thực: bong bóng nhà ở, công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp như thép, năng lượng mặt trời. Vấn đề đáng lo ngại nhất là những món nợ khổng lồ.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ tổng nợ trên GDPtăng lên 253%vào giữa năm 2018, từ mức chỉ 140% trong một thập kỷ trước. Kể từ năm 1990, không có quốc gia nào với tốc độ tăng nợ nhanh như vậy có thể thoát khỏi khủng hoảng tài chính.
Ảnh: CNN
Khoảnh khắc thất bại của Trung Quốc có thể không bao giờ xảy ra, bởi Trung Quốc quá lớn để sụp đổ. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc nắm rất nhiều quân cờ trong việc kiểm soát các ngân hàng, các tập đoàn lớn và các dòng vốn.
Chính quyền Tập Cận Bình hoàn toàn có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng. Quyền lực này được thể hiện vào năm 2015, khi bóng bóng chứng khoán vỡ do tác động của các chính sách cho vay “vô tội vạ”. Dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài trong khi đồng nhân dân tệ rớt giá. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã ngăn chặn khủng hoảng bằng việc phát ra một gói cứu trợ chứng khoán và kiểm soát các dòng tiền.
Cách giải quyết đó cho thấy chiến lược của Trung Quốc đối với vấn đề nợ nần. Chính phủ Trung Quốc đề cao ổn định xã hội, vì vậy, bằng mọi cách, họ sẽ ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ ở nước này. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc gây ra thiệt hại tương tự như một vụ vỡ nợ.
Như trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào, ngành ngân hàng của Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo chính phủ nước này, cuối năm 2018, nợ xấu ngân hàng chạm mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm gần 2% tổng dư nợ.
Dường như chẳng mấy ai tin vào con số thống kê này. Chuyên gia phân tích Charlene Chu thuộc Autonomous Research ước tính 24% tổng tín dụng, trị giá 8.500 tỷ USD đã trở thành nợ. Nhận định này nghe có vẻ thái quá, tuy nhiên, lịch sử cuộc khủng hoảng năm 1997 cho thấy các khoản nợ xấu ở Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan chiếm tới 1/3 tổng nợ củacác quốc gia này.
Trong một nghiên cứu vào tháng 10, S&P Global Ratings lưu ý rằng nợ chính phủ ở Trung Quốc vẫn là một điều bí ẩn bởi vì có rất nhiều khoản tiền không được công bố. Những khoản tiền này cộng với khoản nợ đã công bố trước đó, có thể đẩy mức nợ của Trung Quốc lên đến 6.000 tỷ USD. S&P đã so sánh khoản nợ “bị che giấu” là “tảng băng chìm” trong “thảm họa titanic phiên bản tín dụng quốc gia”.
Trung Quốc phải đối mặt với một khó khăn khác từ cuộc khủng hoảng tài chính: dòng vốn tháo chạy. Những biện pháp kiểm soát chặt chẽ không thể ngăn chặn tình trạng này, mà chỉ giúp dòng vốn chảy ra chậm hơn. Theo Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc, nước này là quốc gia có lượng người mua nhà tại Mỹ đông nhất trong 6 năm liên tiếp. Trong vòng 12 tháng, người Trung Quốc tiêu đến 30 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ, con số này của Canada chỉ chiếm 1/3, Anh và Ấn Độ thấp hơn, chỉ là 1/4.
Về lý thuyết, khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc có lợi thế hơn so với kiểu khủng hoảng truyền thống. Nhờ tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm ổn định, Trung Quốc có thêm thời gian tìm kiếm các giải pháp. Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực loại bỏ những món nợ của các công ty. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm khiến tình hình khủng hoảng ở Trung Quốc không có sự cải thiện rõ rệt nào.
Tệ hơn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho rằng họ có thể theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng mà không cần sử dụng các chính sách kích thích tiền tệ. Trung Quốc là một “con nghiện nợ”, và cũng giống như bất kỳ loại nghiện nào, điều họ cần làm là “kìm hãm chất gây nghiện”. Tuy nhiên, khi biện pháp ngắn hạn này hết hiệu lực, nền kinh tế giảm tốc trở lại. Điều này tạo áp lực khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải bơm tiền vào hệ thống tài chính.
Ảnh: Money & Markets
Nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm xuất phát từ việc chính phủ muốn hạn chế nợ. Vì vậy, như thường lệ, các nhà hoạch định chính sách lại bơm tiền trở lại. Đầu tháng 1, ngân hàng trung ương tuyên bố cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Động thái này giúp các ngân hàng cho vay nhiều hơn, giải phóng tiền tệ. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các khoản nợ xấu sẽ gia tăng.
Như vậy, chính phủ Trung Quốc đang khiến cho khủng hoảng tài chính ở nước này tồi tệ hơn những cuộc khủng hoảng thông thường. Thời khắc Lehman Brothers sụp đổ rất đáng sợ, tuy nhiên, nó giúp thanh lọc, tái cấu trúc thị trường. Trung Quốc với những phương án nhằm ngăn chặn “thời khắc Lehman Brothers” đang khiến tình hình tồi tệ hơn bao giờ hết và những hậu quả khủng khiếp là điều không thể tránh khỏi.
Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc sẽ phải can thiệp, giải nguy cho nền kinh tế giống như chính quyền Mỹ vào năm 2008. Theo tính toán từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, cái giá để giải cứu nền kinh tế Trung Quốc có thể lên đến 3.800 tỷ USD. Trước đó, Hàn Quốc đã phải chi một số tiền tương đương 31% GDP và Indonesia là 57% GDP nhằm ổn định hệ thống tài chính sau khủng hoảng 1997.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc phải chịu nhiều áp lực do sai phạm trong việc phân bổ tài nguyên và khoản nợ khổng lồ từ các công ty mất khả năng thanh toán. Tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới Conference Board ước tính tăng trưởng năng suất của Trung Quốc về mức âm từ năm 2012.
Những yếu tố này tạo thành một vòng xoáy đi xuống. Với một quốc gia đã bị chon vùi trong nợ nần, những nỗ lực kích thích kinh tế bằng bơm tín dụng ngày càng ít hiệu quả. Trong nghiên cứu tháng 10/2018 của công ty nghiên cứu Fathom Consulting cho biết, biên lợi nhuận trong mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc giảm dần. Mặc dù các ngân hàng tích cực cho vay, tăng trưởng tín dụng không đạt được mục tiêu như chính phủ mong muốn. Lo ngại gia tăng cùng với những món nợ nặng nề khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thúc đẩy kinh tế dựa vào tín dụng.
Có lẽ sẽ đến một thời điểm các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra việc kiểm soát khoản nợ này còn quan trọng hơn mục tiêu tăng trưởng. Lạm phát cao có thể giúp thức tỉnh các quan chức Trung Quốc, bởi yếu tố này khiến ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong việc bơm tiền. Tuy nhiên, lạm phát cao là điều khó xảy ra ở Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Hiện tại, lạm phát giảm sâu dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc bước vào thời kỳ giảm phát, khiến cho khoản nợ trở nên nặng nề hơn.
Theo McMahon, giải pháp duy nhất là “thay đổi cách tăng trưởng của nền kinh tế”. Các nhà kinh tế và các nhà chính sách đã tranh luận về việc Trung Quốc cần cân bằng lại giữa chi tiêu và tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra tương đối chậm. Mỗi lần chính phủ dùng nợ nhằm kích thích tăng trưởng, cũng là lúc việc cải cách hệ thống kinh tế gặp khó khăn. Theo Fathom, Trung Quốc đang né tránh những hiện thực kinh tế trong việc tái cân bằng, đồng thời, khiến cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn trong tương lai.
Thêm vào nữa, các chính sách công nghiệp của Tập Cận Bình liên quan đến robot, vi mạch, xe điện có thể khiến Trung Quốc rơi vào mớ hỗn độn do các nhà máy mọc lên ồ ạt, nợ chồng nợ, cũng như phát sinh các vấn đề về môi trường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]