Giá liên tục giảm
Tính chung từ tháng 1 - 11, các doanh nghiệp hội viên đã sản xuất được hơn 22,18 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp đã bán ra được hơn 19,93 triệu tấn sản phẩm và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu đạt hơn 4,34 triệu tấn, tăng 29,1%. |
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, thép phế liệu nhập khẩu giữ mức 334 - 338 USD/tấn, giảm 16,5 USD/tấn so với cuối tháng 10.2018. Tương tự, giá phôi thép còn 455 - 459 USD/tấn trong tuần đầu tháng 12, giảm gần 50 USD/tấn so với cuối tháng 10. Hay giá phôi thép nội địa cũng giảm mạnh 300 - 400 đồng/kg. Điều này khiến giá thép xây dựng trong nước tháng 11/2018 cũng được điều chỉnh giảm từ 400 - 600 đồng/kg, còn từ 12.700 - 13.200 đồng/kg tùy loại sản phẩm (chưa có thuế VAT).
Thực tế, sự ảm đạm bao trùm thị trường thép toàn cầu, giá thép tại các nước gần như rơi tự do, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước của Trung Quốc giảm do sự suy yếu của nền
kinh tế nước này, bất chấp kế hoạch cắt giảm sản lượng mùa đông sẽ được thực hiện.
Dẫn lại số liệu từ các hãng tin nước ngoài, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc ngày 11/12 giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do lo ngại nhu cầu suy yếu kéo dài sang năm tới, với giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than luyện cốc và than cốc cũng giảm. Cụ thể như giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 1,3% xuống 3.300 CNY/tấn (480 USD). Giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất giảm 1,4% xuống 3.266 CNY/tấn. Trung Quốc được xem là đối thủ cạnh tranh lớn khi đẩy mạnh xuất khẩu thép ra các nước với nguồn cung sản xuất vượt xa nhu cầu. Nước này từ đầu tháng 11 vừa qua cũng đã tăng mức hoàn thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm thép từ 13% lên 16%. Điều này có nghĩa hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh hơn.
Việt Nam chi hơn 11 tỉ USD nhập khẩu sắt thép
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy từ tháng 1 - 10/2018, cả nước đã nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 17,12 triệu tấn với tổng giá trị gần 11,2 tỷ USD, tăng 0,6% về số lượng và tăng 2% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt khoảng 5,3 triệu tấn, giảm 13% về số lượng nhưng tăng 10% về giá trị. Tỷ trọng nhập khẩu nhóm sản phẩm này từ Trung Quốc chiếm khoảng 46,4% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.
Việc Trung Quốc xuất khẩu nhiều thép sang Việt Nam không còn là câu chuyện xa lạ. Những năm trước, năng lực sản xuất thép chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, việc nhập khẩu từ Trung Quốc được xem là yếu tố tích cực cho ngành sản xuất, xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, những năm trở lại đây khi sản lượng thép đã đáp ứng và thậm chí vượt nhu cầu trong nước, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy thép sang Việt Nam bằng mọi biện pháp từ hạ giá đến các chính sách hỗ trợ xuất khẩu nhằm giải quyết nguồn cung dư thừa.
Đại diện Công ty thép Pomina phân tích: Từ trước đến nay, hàng Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vào Việt Nam là thép cuộn. Nhiều sản phẩm trước đây đã được phát hiện là thép hợp kim chứa Bo (chứa nguyên tố boron hoặc crom) để hưởng thuế nhập khẩu 0% vào Việt Nam, nhưng thực tế đều dùng để xây dựng vẫn còn diễn ra. Hay sản phẩm nhập khẩu núp bóng dưới dạng que hàn... Hiện nay, công suất thiết kế của các nhà máy thép một số chủng loại đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ, nguồn cung sắt thép xây dựng đã vượt khoảng 40% hay tôn phủ màu, tôn mạ cũng tương tự.
Vì vậy, nếu nhập khẩu trực tiếp, không lách thuế... thì các sản phẩm thép từ Trung Quốc cũng khó cạnh tranh lại với thép xây dựng trong nước, đặc biệt về chất lượng. Tuy nhiên, nếu giá sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn thì vẫn có một bộ phận người
tiêu dùng lẫn doanh nghiệp chấp nhận, nhất là ở các vùng nông thôn. Do đó sự cạnh tranh vẫn luôn diễn ra gay gắt, nhất là với hàng gian lận thương mại thì doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cảnh báo nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc thừa cung trong nước và giá thấp sẽ chảy vào Việt Nam. Riêng hiện tượng sản phẩm tìm đường vào Việt Nam để lách xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá ở nhiều nước đã được cảnh báo nhiều lần. Thậm chí cuối năm 2017, Mỹ đã công bố áp thuế với một số sản phẩm từ Việt Nam vì cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc nên Việt Nam phải xử phạt thật nặng nếu phát hiện các trường hợp này.
“Các cơ quan kiểm soát như hải quan và Bộ Công thương cần theo dõi chặt tình hình nhập khẩu các sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh thuế tự vệ cao như sắt thép. Nếu các sản phẩm nhập khẩu ồ ạt khi nguồn cung trong nước dư thừa, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thì phải chủ động áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời xử lý thật nặng các trường hợp tiếp tay, nhập khẩu nhằm lách xuất xứ, đặc biệt để xuất khẩu vào Mỹ. Bởi hiện nay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng và nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ bị vạ lây và cả ngành sản xuất này sẽ thiệt hại rất nặng nề”, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.