Như chúng ta đã biết, Tổng thống Biden đã thông qua gói 1,2 nghìn tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng và trong bản kế hoạch này có quy định thị trường tiền số sẽ phải báo cáo nhiều giấy tờ hơn cho cơ quan thuế trong quá trình giao dịch.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là một động thái có tính bước ngoặt cho thị trường tiền số khi nhiều chuyên gia vẫn đánh giá đây là một vùng xám với nhiều lỗ hổng cho hành vi trốn thuế, rửa tiền hay phạm tội.
Hiện tại, chính quyền Washington đang xem xét để ban hành những quy định mới cho Bitcoin nói riêng và tiền số nói chung nhằm đảm bảo ngân sách thuế không bị thất thu.
Kể từ năm 2023, những cá nhân hay tổ chức môi giới tiền số (Crypto Broker) như sàn giao dịch Coinbase sẽ bị yêu cầu sao lưu giao dịch để cơ quan thuế có thể truy tra nguồn gốc. Chúng cũng tương tự như các hoạt động sao lưu trên thị trường chứng khoán.
Bản sao lưu này sẽ phải ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của khách hàng cũng như khoản lãi/lỗ của họ. Đồng thời, bất kỳ doanh nghiệp nào nhận thanh toán trên 10.000 USD bằng tiền số cũng sẽ phải báo cáo danh tính người gửi tiền lại cho chính phủ. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ áp dụng các quy định chống rửa tiền lên thị trường tiền số.
Đối với những người chơi tiền số nộp thuế đầy đủ và không có hành vi phạm pháp nào thì những quy định trên không ảnh hưởng nhiều. Theo hãng tin Bloomberg, Sở thuế vụ Mỹ (IRS) đã gián tiếp đối xử với tiền số như một loại tài sản khi thu thuế từ những hoạt động giao dịch, vốn tương tự như với thị trường chứng khoán.
Tương tự, những người được thanh toán bằng tiền số cho các khoản thu nhập cũng đã bị IRS truy tra thuế thu nhập. Cơ quan thuế vụ Mỹ cũng đã tích cực rà soát để loại bỏ các trường hợp vi phạm, trốn thuế hoặc không khai báo trên thị trường tiền số. Mới đây, IRS đã thêm vào các điều khoản quy định người đóng thuế có liên quan đến tiền số phải giao nộp bằng chứng giao dịch cho cơ quan thuế nếu không muốn bị truy cứu.
Hãng tin Bloomberg nhận định quy định siết chặt này sẽ giúp thu thêm khoảng 28 tỷ USD trong vòng 10 năm tới từ thị trường tiền số. Phần lớn số tiền thu được sẽ đến từ những vùng xám của thị trường này mà cơ quan thuế chưa đụng tới.
Một số chuyên gia lo lắng rằng khái niệm nhà môi giới tiền số (Crypto Broker) quá rộng và có thể gây khó khăn cho thị trường. Khái niệm này phù hợp với bất kỳ thực thể nào cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số, nghĩa là ngay cả những thợ đào tiền số (Crypto Miner-Người cung cấp hệ thống máy tính nhằm tính toán và xác thực giao dịch) hay các nhà phát triển phần mềm cũng nằm trong diện phải báo cáo. Điều này là khá vô lý bởi họ không có quyền truy cập một số thông tin sao lưu như được yêu cầu.
Nghị sĩ Cynthia Lummis của Đảng cộng hoà bày tỏ lo ngại quy định mới có thể kìm hãm đà phát triển, đổi mới của thị trường tiền số.
Trên thực tế, những người ủng hộ tiền số đã có vận động hành lang trước khi kế hoạch 1,2 nghìn tỷ USD được thông qua nhưng không thành công. Hiện nhiều nghị sĩ đang cố gắng xây dựng một bản đề án mới nhằm quy định rõ đối tượng phải báo cáo với IRS cũng như đề nghị tách mảng tiền số ra khỏi bản kế hoạch 1,2 nghìn tỷ của Tổng thống Biden.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]