Ý dĩ là nhân của quả cây ý dĩ, còn gọi hạt cườm, ngọc mễ... có tên khoa học Coix lachryma-jobi L., họ lúa (Poaceae). Ý dĩ là cây thảo, thân mọc thẳng đứng, có thể cao tới 2m. Ở gốc thân có nhiều rễ phụ. Lá mọc so le, mặt lá ráp, gân lá song song, không có cuống. Hoa đơn tính cùng gốc, trông tựa một nhánh của bông lúa.
Quả hình trứng hơi nhọn đầu (thường gọi nhầm là nhân) được bao bởi một lá bắc cứng (thường gọi nhầm là vỏ). Mùa ra hoa tháng 7-8, quả tháng 9-10. Bộ phận thường dùng là hạt. Rễ, lá cũng được dùng nhưng ít hơn. Thu hoạch cây khi quả chín già, cắt cả cây về phơi, đập lấy quả, sấy, rồi xay, thu lấy nhân trắng, phơi hay sấy khô. Cắt rễ, đem rửa sạch rồi phơi khô.
Theo Đông y, hạt ý dĩ có vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, lợi niệu, thanh nhiệt bài nung, bổ phế, thư cân, giải kinh, giải độc… Rễ cây ý dĩ có vị đắng, ngọt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, kiện tỳ, sát trùng. Lá có tác dụng noãn vị và ích khí huyết. Hạt ý dĩ dùng làm thuốc bổ và bồi dưỡng cơ thể tốt, dùng bổ sức cho người già và trẻ em, dùng lợi sữa cho phụ nữ sinh đẻ…
Sau đây là một số tác dụng của ý dĩ:
- Chữa đờm thấp, ho: Cam thảo 80g, cát cánh 40g, ý dĩ nhân 120g. Tán bột. Mỗi lần dùng 20g, thêm ít gạo nếp, nấu uống sau bữa ăn.
- Chữa trẻ nhỏ tay mềm: Đương quy 40g, Khương hoạt 40g, Phòng phong 40g, Toan táo 40g, Ý dĩ nhân 40g. Tán nhỏ, làm hoàn. Ngày uống 4g.
- Chữa trẻ em phù thũng do kém dinh dưỡng: Ý dĩ nhân 80g, tán bột, nấu với gạo thành cháo ăn.
- Chữa trẻ nhỏ đầu bị lở loét, các chứng ghẻ lở do thai bị nhiễm độc: Đại hoàng 15g, Thổ phục linh 60g, Ý dĩ nhân 30g. Tán bột. Trộn mật làm hoàn, to bằng viên đạn lớn. Ngày uống 1 viên.
- Chữa thấp trệ, phù thũng, tiểu ít: Ý dĩ, Đông qua bì, Xích tiểu đậu đều 40g, nấu cháo ăn.
- Chữa tỳ hư, tiêu hóa kém: Ý dĩ, Bạch biển đậu, Hoài sơn, mỗi vị 40g; Sơn tra, Sử quân tử (bỏ vỏ lụa), Liên nhục, mỗi vị 30g; Thần khúc 16g, Đương quy 200g, gạo nếp 100g. Tất cả sao vàng, tán bột mịn, chia ngày 2 lần, mỗi lần 12-16g, uống với nước ấm. Trẻ em tùy tuổi, giảm lượng.
- Chữa phế ung, ho ra đờm mủ tanh hôi: Ý dĩ 80g, Lô căn 40g, Đông qua nhân 24g, Đào nhân 8g, sắc uống.
- Chữa thấp uất ở kinh mạch, người nóng đau, mồ hôi nhiều, tiểu không thông: Ý dĩ 20g, Trúc diệp 12g, Hoạt thạch 16g, Thông thảo 8g, Phục linh 12g, Liên kiều 12g, Bạch khấu nhân 4g, sắc uống.
- Chữa tỳ hư, thấp trệ, tiêu chảy: Ý dĩ 40g, Xa tiền tử 20g, sắc uống.
- Chữa tiểu buốt, rắt: Ý dĩ sống 20-50g, đổ thêm nước nấu dưới dạng cháo loãng ăn.
- Chữa sản phụ ít sữa: Ý dĩ sống 50g, móng giò lợn 1 cái, hầm nhừ. Ăn ngày một lần. Một tuần ăn 3 lần.
- Chữa nóng trong người: Ý dĩ sống 20-50g, đổ thêm nước nấu dưới dạng cháo loãng ăn.
Lưu ý: Người có thể trạng hàn và phụ nữ có thai không nên dùng ý dĩ.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]