Làm sao để nhận biết trẻ bị say nắng?
Nguyên nhân trẻ say nắng thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể. Khi nhiệt độ của môi trường bên ngoài tăng nhanh và cao, cơ thể bị mất quá nhiều nước qua mồ hôi có thể gây ra những biến đổi trầm trọng trong cơ thể và có thể dẫn đến tử vong.
Khi trẻ bị say nắng, cần tỉnh táo nhận biết những dấu hiệu đặc trưng trên cơ thể bé như sau:
- Nhiệt độ cơ thể ở mức 40ºC hoặc cao hơn
- Mạch đập nhanh; Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt; Nôn; Thở nhanh và nông
- Nói lắp, mê sảng và co giật
- Các dấu hiệu bị mất nước...
Nếu trẻ gặp phải những triệu chứng trên, các bậc cha mẹ cần làm gì? “Bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu trong lúc gọi cấp cứu để tránh biến chứng cho bé” - đó là lời khuyên của BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh (Trưởng khoa Nội 1 - BV Nhi Đồng 2).
Cần sơ cứu đúng cách trong khi chờ đợi xe cứu thương tới. Đó là:
- Nhanh chóng đưa trẻ vào nơi râm mát, nếu bé đang ở ngoài trời nhiệt độ cao.
- Cởi hết quần áo trẻ giúp trẻ hạ nhiệt và dễ thở
- Dùng khăn đắp nước mát lên người bệnh nhân
- Những vị trí thường có nhiệt độ cao như trán, gáy, ngực, nách, cánh tay, đùi... cần được liên tục làm mát.
Ngoài ra, cần luôn cung cấp kịp thời nước cho cơ thể, và còn cần cả cung cấp cả lượng muối của cơ thể bị mất qua mồ hôi bằng các loại nước như: trái cây, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội. Cho trẻ uống thật từ từ, từng chút một để tránh làm cho trẻ bị nôn.
Trước khi dùng loại thuốc nào cho trẻ, bố mẹ cũng lưu ý đã hỏi rõ ý kiến bác sĩ và đảm bảo an toàn cho trẻ, không tự ý dùng các biện pháp dùng thuốc hạ nhiệt cho trẻ mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Cùng trẻ “đối phó” với say nắng mùa hè
Nắng nóng khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi và mất nước. Chính vì thế cần cho trẻ uống nhiều nước, tuy nhiên chỉ nên uống nước ấm, không uống nước lạnh và uống từ từ. Nên thúc trẻ bú sữa mẹ (đang trong giai đoạn bú sữa mẹ) và uống nước (trẻ đã lớn) ngay cả khi trẻ chưa cảm thấy khát.
Nên cho con mặc các loại quần áo gọn nhẹ, rộng rãi, thoát nhiệt và những đồ sáng màu để tránh hấp thụ nhiệt và các tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.
Cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý khi đang ở trong nhà, nhất là những nhà bật máy lạnh sau đó ra ngoài trời nắng nóng, trẻ sẽ dễ bị say nắng do có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu trong nhà đang bật máy lạnh, cần cho trẻ làm quen dần với nhiệt độ cao hơn hoặc tắt máy lạnh trước khi ra ngoài trời nắng để tránh sốc nhiệt.
Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả như: cam, quýt, dưa chuột, cà chua, xà lách, dưa hấu, rau xanh... có tính làm mát cơ thể, tránh tăng thân nhiệt.
Thêm một điều BS Thanh lưu ý là hiện nay rất nhiều gia đình có xe hơi, khi đi đâu nắng nóng vẫn thường ưu tiên trẻ nhỏ, người già chờ trên xe khi xe dừng đỗ. “Khi đỗ xe dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng thêm 6,7 độ C trong vòng 10 phút.
Rất nguy hiểm nếu để trẻ (và cả người lớn) trong xe ô tô đang đỗ dưới thời tiết nắng nóng, kể cả xe được đỗ trong bóng râm. Hãy cho mọi người xuống xe và khóa cửa thật cẩn thận để tránh việc trẻ em nghịch ngợm chui vào xe mà người lớn không biết”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]