Sấu vào mùa và những lợi ích sức khỏe không thể bỏ qua
Khi những cơn mưa tháng 6 kéo về cũng là lúc báo hiệu sấu đã vào mùa rộ nhất. Những trái sấu già có vị chua dịu góp phần xua tan cái nắng cháy da cháy thịt là hương vị không thể thiếu trong những bữa cơm ngày hè. Có lẽ, là người Hà Nội, khi đi xa quê, đến mùa hè không ai lại không thèm được hít hà hương sấu, thèm một lần được uống nước rau muống luộc dầm sấu làm dịu mát cả trời nắng hè oi ả. Quả sấu khi đã đủ già cũng được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon, sấu ngâm chế biến thành món nước giải khát tuyệt vời ngày hè, sấu bao tử là món ăn vặt yêu thích của nhiều người cho đến món sấu chín thơm nức, ngọt ngào với dư vị khó quên…
Khi những cơn mưa tháng 6 kéo về cũng là lúc báo hiệu sấu đã vào mùa rộ nhất.
Không chỉ là loại quả giải nhiệt siêu hiệu quả, là trái cây ngon đem lại nhiều kỷ niệm thương mến trong lòng nhiều người, quả sấu còn là một vị thuốc chữa bệnh vô cùng hữu hiệu trong Đông y.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, quả sấu xanh có vị chua, hơi chát, khi chín sẽ có vị chua, ngọt, tính mát có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm. "Chúng ta có thể sử dụng sấu để chữa nhiều bệnh thường gặp như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, phụ nữ bị nôn do thai nghén, lở ngứa…", lương y Bùi Hồng Minh cho hay.
Quả sấu xanh có vị chua, hơi chát, khi chín sẽ có vị chua, ngọt, tính mát có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm.
Trong y học hiện đại cũng ghi nhận công dụng chữa bệnh tuyệt vời của quả sấu. Trong quả sấu có chứa 80% là nước, 1% axit hữu cơ, 1,3% proteine, 8,2% gluxit, 2,7% cellulose, 0,8% tro, 100 mg% calcium, 44 mg% phosphor, sắt vết... và đặc biệt là chứa rất nhiều vitamin C.
Trong quả sấu có chứa 80% là nước.
Sấu đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, do đó, đừng vội bỏ qua thời điểm sấu đang vào mùa rộ, bạn hoàn toàn có thể chế biến loại quả này thành những món ăn, bài thuốc chữa bệnh cực hiệu quả. Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ quả sấu được lương y Bùi Hồng Minh đưa ra.
Những bài thuốc chữa bệnh cực hiệu nghiệm từ quả sấu
- Nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng: 4-6 cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước đến khi còn nửa bát thì đem uống sau bữa ăn sáng. Đơn giản hơn là bạn có thể lấy cùi sấu tươi hãm trong bát nước sôi và uống trong ngày. Sấu chín đem dầm đường hoặc muối để ăn cũng rất hữu hiệu trong việc chữa nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng vào mùa hè.
- Chữa ho: Cùi sấu tươi đem ngâm với ít muối, ngâm vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ. Hoặc bạn có thể lọc lấy cùi sấu đem sắc nước uống cũng giúp chữa ho hiệu quả.
Sấu đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, do đó, đừng vội bỏ qua thời điểm sấu đang vào mùa rộ.
- Phụ nữ mang thai bị nôn nghén: Cá diếc hoặc thịt vịt đem nấu với 2 bát nước. Khi nước sôi, bạn cho 1-3 quả sấu đã nạo vỏ vào và đun trong 7-10 phút, sau đó bắc ra, dầm nát, nêm gia vị vừa ăn. Món ăn này không chỉ giúp bà bầu đỡ ốm nghén mà còn giúp tăng cường sức khỏe, tránh mệt mỏi cho chị em trong thời gian bầu bí.
- Say rượu: Hãm cùi sấu với nước sôi để uống sẽ giúp giải say rượu nhanh chóng.
- Bồi bổ sức khỏe ngày hè, tránh suy nhược, giải nhiệt cơ thể: Lấy quả sấu nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng. Món ăn rất thích hợp vào những ngày nắng nóng, giúp bạn dễ ăn hơn, đồng thời cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, tránh mất sức vào ngày nắng nóng.
Mặc dù sấu đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe nhưng chuyên gia lưu ý không phải ai cũng có thể tùy tiện sử dụng loại quả này.
- Trị mụn nở: Lá sấu đem đun lấy nước tắm sẽ giúp hạn chế mụn nhọt, đồng thời cũng giúp chữa mụn loét, hoại tử trên da.
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Lấy sấu tươi đem dầm nước luộc rau, nấu canh chua ăn hàng ngày hoặc sấu hấp với đường làm nước giải khát… đều rất tốt cho hệ tiêu hóa của bạn.
Mặc dù sấu đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe nhưng chuyên gia lưu ý không phải ai cũng có thể tùy tiện sử dụng loại quả này. Theo lương y Bùi Hồng Minh, bệnh nhân bị bệnh viêm loét hành tá tràng không nên sử dụng loại quả này vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Trẻ em dưới 1 tuổi cũng không được phép sử dụng loại quả này vì tính axit trong quả sấu rất nhạy cảm với trẻ ở lứa tuổi này. Bạn cũng không nên uống nước sấu vào lúc đói vì sấu có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]