1. Có phải ai cũng có thể cho con bú mẹ không?
Không!
Hầu hết đều có thể nhưng có một số trường hợp, mẹ không nên cho con bú trong giai đoạn:
- Nhiễm HIV
- Bệnh lao đang hoạt động
- Phát bệnh thuỷ đậu 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh
- Herpes ở vú.
Các bạn lưu ý dùm chữ “trong giai đoạn”. Vì khi lao đã điều trị ổn, vết thương Herpes lành, hết thuỷ đậu, bạn có thể cho bé bú lại bình thường.
Ngoài ra, nếu bạn có sử dụng chất gây nghiện, bạn đang phải uống thuốc điều trị bệnh,luôn nên tham vấn ý kiến bác sĩ khi cho trẻ bú. Chất gây nghiện hay một số loại thuốc có thể qua sữa, bạn cần thuốc nhưng bé đâu cần, hơn nữa, thuốc có thể gây hại khi vào cơ thể bé. Sữa mẹ là tuyệt vời, nhưng sữa mẹ “lẫn tạp chất” thì thôi!
Những bà mẹ đang trong giai đoạn nhiễm HIV, bệnh lao đang hoạt động... thì không được cho con bú mẹ. (ảnh minh họa)
Một số bệnh “bị tưởng” là không thể cho con bú, nhưng thực tế là hoàn toàn có thể:
- Viêm gan siêu vi B: bé được tiêm ngừa trong vòng vài giờ sau sinh
- Viêm gan siêu vi C
- Nhiễm Herpes simplex virus, miễn là vết thương không nằm ở núm vú
- Nhiễm trùng ối trước sinh hay viêm nội mạc tử cung sau sinh
- Nhiễm Cytomegalovirus
- Viêm tuyến vú
Có thể bạn không hiểu nhiều về các bệnh trên, nếu cần thông tin, bạn có thể hỏi thêm bác sĩ khám của mình.
2. Sau sinh bao lâu cho bé bú được?
Ngay khi sau sinh vài giờ, bé đã sẵn sàng rồi. Trong vòng 2-3 ngày đầu sau sinh, bạn có một thứ vô cùng quý báu đó là sữa non (dịch màu vàng, thỉnh thoảng bạn thấy tiết ra ít ít trong thai kỳ). Bé bú sữa non sẽ được cung cấp ngoài dinh dưỡng còn có kháng thể, hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn. Khi ngực căng gấp 2-5 lần bình thường, là lúc “sữa về”. Cho bé bú theo nhu cầu để cơ thể bạn và bé “thoả thuận” với nhau lượng sữa đủ cho bé.
3. Núm vú tụt vào trong làm sao cho bé bú?
Núm vú tụt vào trong làm bé khó khăn trong việc ngậm bắt núm vú, rồi cự nự gây khóc om sòm làm mẹ hoảng theo. Việc cần làm là kiên nhẫn, động tác mút vú đôi khi làm núm vú dần trồi ra. Nếu “tình hình không cải thiện” mà khổ chủ cứ kêu la, bạn tìm ngay đầu “trợ ti”. Trên thị trường có nhiều loại và đầy đủ hướng dẫn. Ngoài cữ bú, bạn sử dụng các loại máy hút sữa cũng có khi cải thiện.
4. Bé bú sữa mẹ bằng bình và bú vú mẹ, cái nào tốt hơn?
Bú mẹ trực tiếp dĩ nhiên ngon lành hơn rồi, vừa được mẹ ôm ấp, núm vú mẹ mềm mại, không sợ hoá chất độc hại, vừa luôn sẵn sàng. Chưa có ai đi nghiên cứu hai cách cho bú này, nếu vì lý do nào đó, không thể cho bé bú mẹ trực tiếp thì cũng đừng “xoắn” lên. Bé vẫn nhận đủ dinh dưỡng, kháng thể nếu mẹ vắt sữa cho vào bình. Khổ mỗi cái khâu dự trữ và bảo quản, vệ sinh bình sữa. Hơn nữa, vì cơ thể mẹ điều chỉnh lượng sữa theo nhu cầu của bé, việc vắt sữa nếu không đều đặn, thường xuyên, có khi “cung không đủ cầu” mà thôi.
Mẹ có thể cho con bú trực tiếp từ ti hoặc hút sữa ra bình. (ảnh minh họa)
5. Nên ăn cái gì và ăn bao nhiêu khi cho con bú?
- Uống khoảng 8 cốc nước mỗi ngày (có thể là nước, sữa, nước ép trái cây…)
- Bổ sung 1000mg calcium mỗi ngày: bằng sữa, các thực phẩm từ sữa như phô mai, yogurt, viên uống.
- Bổ sung 0.4mg acid folic mỗi ngày (viên uống hoặc ăn rau xanh, nước trái cây)
- Ăn cá 2-3 lần mỗi tuần, đây là nguồn vitamin, khoáng chất tuyệt vời.
- Ăn món gì bạn thấy ngon và thích, miễn là đừng quá nhiều hay ăn chỉ duy nhất món nào đó, và sai lầm nhất là không ăn rau xanh, trái cây.
Như đã nói từ đầu, tôi ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng không ủng hộ đến mức này:
- Chồng: có mỗi chuyện cho bú mà làm không xong là sao? (ý là sao không có sữa, em bé khóc hoài), bú sữa con bò sao bằng sữa mẹ?
- Vợ: ờ, anh giỏi quá cho bú anh đi (mắt rơm rớm)
- Mình: em bé đói, cho nó miếng sữa không phải sữa người cũng hông sao, từ từ mẹ có sữa rồi thủng thẳng bú dài dài, đừng làm mẹ nó căng thẳng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]