Theo thống kê tại BVĐK Nông nghiệp, những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám gia tăng đáng kể, mỗi ngày tiếp nhận hơn 1000 người.
Ngay từ sáng sớm 17/5 đã có rất đông người đến khám tại BV Bạch Mai.
Do nhiệt độ cao đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dân, khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Đáng chú ý trong đó có không ít bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... do chủ quan đã phải vào điều trị nội trú. Các bệnh da mùa hè cũng có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó là các vấn đề như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức; gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ; gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật...
Theo các bác sĩ, trong thời tiết nắng nóng gay gắt, đối tượng dễ tổn thương là người già; phụ nữ có thai; trẻ em tại các khu vui chơi giải trí, nhà trẻ; công nhân, nông dân lao động ngoài trời, các lò phát nhiệt; người bệnh đang điều trị các bệnh: tim mạch, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, uống rượu, vẩy nến, chàm, bỏng, cường tuyến giáp; những người đang dùng các loại thuốc: kháng cholinergiques, cocaine, amphetamines, phenothiazine.
Tránh nắng tại các khu vực có bóng mát trong BV.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe nhân dân, tại các khoa khám bệnh của các BV đã bố trí nhiều ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; có nước uống miễn phí. Các BV cũng tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh trong điều kiện nóng bức.
PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc BVĐK Nông nghiệp cho biết, bước vào mùa hè không riêng bệnh nhi mà còn có thể gặp nhiều bệnh khác ở mọi lứa tuổi. Chúng tôi đang lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại. Riêng với trẻ em, đối tượng này thường bị tiêu chảy, tay chân miệng, viêm não, ngộ độc thực phẩm nên bệnh viện đã chuẩn bị chu đáo để ứng phó.
Khu vực chờ khám tại BV Da liễu Trung ương được bố trí thoáng mát, thuận tiện cho người dân ngồi chờ khám trong thời tiết oi bức như hiện nay.
Tại các khoa điều trị, các bệnh viện đã lắp đặt quạt điện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.
Bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch não, hô hấp, tiêu hóa,...
Trong mùa hè, các đơn vị cũng chú ý triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu, và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp....
Bác sĩ tư vấn phòng bệnh cho bệnh nhân tai biến.
Tại BV Đa khoa Nông nghiệp những ngày qua cao điểm có đến hơn 1000 người bệnh đến khám, tăng 30%.
Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Dương Hải
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]