Chụp ảnh tự sướng dùng để chỉ thói quen tự mình tìm ra góc hoàn hảo nhất trên khuôn mặt và chụp lại, sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội như một cách ghi nhật ký hoạt động của bản thân và thu hút sự chú ý của mọi người.
Tiến sĩ David Veale - bác sĩ tâm thần ở bệnh viện Priory, London (Anh) cho biết: “2/3 số bệnh nhân của tôi mắc hội chứng BDD kể từ khi dùng điện thoại di động để chụp ảnh tự sướng đưa lên các trang mạng xã hội". Ông khẳng định, chụp ảnh tự sướng không chỉ đơn thuần là chứng nghiện mà còn là triệu chứng của hội chứng BDD.
Những người "cuồng" chụp ảnh tự sướng thường bỏ ra hàng giờ để tìm góc đẹp nhất và chụp những bức ảnh hoàn hảo nhất. Họ đặc biệt chú ý đến vẻ ngoại hình, cố gắng che đi những điểm còn chưa đẹp của mình, trái ngược với nhiều người khác khi họ không mấy quan tâm đến điều này.
Các nhà khoa học đưa ra dẫn chứng về một trường hợp, đó là Danny Bowman - một thanh niên người Anh đã tự tử khi không thể tìm ra bức hình "tự sướng" hoàn hảo nhất của mình. Bởi niềm khao khát quyến rũ các cô gái mà Bowman đã bỏ ra 10 giờ mỗi ngày để chụp hơn 200 bức ảnh, nhằm tìm ra bức hình ưng ý nhất. Thói quen này bắt đầu từ khi Bowman 15 tuổi và nó đã khiến anh sụt cân nhanh chóng.
Bowman đã không rời khỏi nhà ở Newcastle suốt 6 tháng và khi không chụp được bức ảnh "tự sướng" hoàn hảo, cậu đã cố gắng tự tử bằng cách uống thuốc quá liều. May mắn thay, mẹ Bowman đã phát hiện kịp thời để cứu sống Bowman và phải nhờ đến các bác sĩ nhằm cứu con khỏi thói quen mất kiểm soát.
Tiến sĩ Pamela Rutledge - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học Truyền thông ở Boston Massachusett (Mỹ) giải thích: "Việc "nghiện" chụp ảnh tự sướng có thể là dấu hiệu của sự thiếu tự tin hoặc quá phụ thuộc vào sự chú ý của xã hội. Điều này khiến họ trở thành nạn nhân của các vấn đề khác".
Bác sĩ Panpimol Wipulakorn cho rằng, "tự sướng" là hành vi phổ biến được ưa thích của giới trẻ nhưng nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần trong tương lai.
Mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder – BDD) là một trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó đối tượng thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể mình (chẳng hạn như sẹo trên mặt, mũi không cao, tóc thưa…), thậm chí ngay cả khi khiếm khuyết đó không tồn tại.
Người mắc chứng ám ảnh cơ thể thường thu mình, luôn buồn rầu với những ảo tưởng về khiếm khuyết của cơ thể, thậm chí có thể trầm cảm, nổi điên dẫn đến tự tử.
Hầu hết đối tượng mắc bệnh thấy cơ thể mình khiếm khuyết trầm trọng và mang cảm giác tội lỗi, khát khao được phẫu thuật thẩm mỹ mặc dù không cần thiết.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]