Suy giảm khả năng tình dục trong trầm cảm
Bệnh nhân trầm cảm thường mất hết các hứng thú và sở thích, trong đó có ham muốn tình dục. Họ thường than phiền rằng đã mất hết các sở thích vốn có trước đây. Họ không còn ham muốn tình dục, nhiều khi hàng tháng không muốn quan hệ với vợ, chồng (hoặc bạn tình).
Bên cạnh đó, bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi, lúc đầu mệt về buổi sáng, sau mệt suốt cả ngày. Do cảm giác mệt mỏi nên người bệnh luôn tìm cách từ chối quan hệ tình dục. Họ thường viện cớ công việc, sức khỏe... để thoái thác. Nhiều người cho biết mỗi tháng chỉ quan hệ tình dục một lần do quá mệt mỏi. Ngay cả lần quan hệ đó cũng là do chiều chồng (vợ) chứ bản thân không muốn.
Bệnh nhân trầm cảm luôn trong tình trạng buồn rầu vô cớ: nét mặt rất buồn bã, tâm trạng u uất, không thể vui lên được (dù có các kích thích bên ngoài). Chính vì cảm giác buồn bã này mà họ không muốn quan hệ tình dục. Với họ, đời sống tình dục là một khái niệm gần như không tồn tại.
Thuốc trầm cảm ảnh hưởng xấu đến đời sống tình dục
Thuốc chống trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị trầm cảm. Bệnh nhân trầm cảm cần uống thuốc liên tục trong thời gian dài (tối thiểu một năm). Nhiều người phải uống thuốc suốt đời. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng, ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin... đều ảnh hưởng xấu đến đời sống tình dục của bệnh nhân ở các mức độ khác nhau. Bệnh nhân nam thường than phiền khó cương dương vật, giảm ham muốn (dù tình trạng trầm cảm đã hết), khó xuất tinh. Các bệnh nhân nữ thường than phiền mất hết ham muốn, giảm khả năng bôi trơn âm đạo gây đau, rát và khó khăn trong quan hệ tình dục.
Các thuốc ảnh hưởng đến chức năng tình dục nhiều nhất là amitriptylin và fluoxetin. Không may cho bệnh nhân đây lại là hai thuốc chống trầm cảm có hiệu quả điều trị rất cao, giá thành rẻ, dễ sử dụng nên hay được các bác sĩ chỉ định. Các thuốc ít ảnh hưởng đến ham muốn tình dục là tianeptil (stablon), fluvoxamin (luvox) và mirtazapin (remeron, tzap, noxibel).
Cách khắc phục ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm đến đời sống tình dục:
- Dùng kết hợp thuốc chống trầm cảm với các thuốc arcalion, piracetam hoặc ginko biloba... Các thuốc này sẽ hạn chế tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm trên chức năng tình dục của bệnh nhân.
- Thay thuốc chống trầm cảm: Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân đổi thuốc (nếu có thể). Các thuốc thay thế như stablon, luvox hoặc mirtazapin.
- Cắt bỏ các thuốc an thần, thuốc chỉnh khí sắc (nếu có thể), vì chính các thuốc này cũng ảnh hưởng xấu đến chức năng tình dục của bệnh nhân.
Điều trị xuất tinh sớm bằng thuốc chống trầm cảm
Ngoài nhược điểm ảnh hưởng xấu đến chức năng tình dục, thuốc chống trầm cảm còn có tác dụng kéo dài thời gian xuất tinh, do vậy hay được áp dụng trong điều trị bệnh xuất tinh sớm.
Cơ chế của xuất tinh sớm là do bệnh nhân quá căng thẳng và lo lắng, do vậy mất kiểm soát cơ co bóp túi tinh. Vì thế, thời gian giao hợp của bệnh nhân rất ngắn, chưa kịp làm cho bạn tình thỏa mãn thì đã xuất tinh. Nhiều trường hợp, bệnh nhân xuất tinh trước khi giao hợp.
Thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin, khiến nồng độ serotonin tại các thụ cảm thể thần kinh tăng lên. Tại não, nồng độ serotonin tăng cao gây giảm lo âu, giúp bệnh nhân tự tin hơn trong quan hệ tình dục. Ngoại vi, thuốc chống trầm cảm giúp kiểm soát sự co bóp của cơ túi tinh, khiến tình trạng xuất tinh sớm chấm dứt. Một số thuốc hay dùng là sertralin hoặc paroxetin. Thuốc có hiệu quả ngay sau vài ngày dùng thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải uống thuốc kéo dài nhiều tháng để bệnh không tái phát.
Theo Danong
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]