Mật nhân chẳng khác gì “thần dược”?
“Rễ mật nhân sau khi thu hoạch, chẻ nhỏ, sao vàng hạ thổ, pha vào nước sôi để 850C để uống thay nước lọc. Mỗi ngày pha 15g chia làm 3 lần và tăng dần 3g/ngày đến mức 30g/ngày thì duy trì ở mức này.
Còn nếu mang ngâm rượu thì theo công thức 1kg mật nhân ngâm với 10 lít rượu, ngâm trong 20 ngày là dùng được. Liều dùng mỗi ngày uống 20- 50ml. Nên thêm 7 lạng nho khô cho 1kg mật nhân để giảm độ đắng” - Đó là bài thuốc đang lan truyền trên mạng với công dụng giúp tăng cường sinh lý sinh lý nam giới được nhiều người học theo.
Cây mật nhân được rao bán khá phổ biến. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, trên các diễn đàn cũng chia sẻ bài thuốc từ cây mật nhân chẳng khác gì một loại “thần dược” có thể phòng chống ung thư, tăng cường chức năng gan, hỗ trợ tiêu hóa, điều trị chống gút... Theo đó, chỉ cần lấy thân cây mật nhân thái lát rồi xay nhuyễn, trộn với mật ong và sâm rừng là có thể chữa bách bệnh?
Với những chia sẻ trên, chưa biết thực hư công dụng của cây mật nhân đến đâu nhưng tại các tiệm thuốc Bắc, loại cây này được bán với giá khá đắt đỏ. Cây mật nhân thái lát được bán dao động từ 120-150 nghìn đồng/kg; củ tươi giá 80-100 nghìn đồng/kg và dạng viên (mật nhân trộn với mật ong và sâm rừng) có giá dao động từ 800- 1 triệu đồng/kg.
Trao đổi với PV, chị Phí Thị Hà (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, bố chồng chị bị ung thư dạ dày. Thấy trên mạng lan truyền bài thuốc này chị cũng làm theo.
Chị Hà đem cây mật nhân tán bột, trộn với mật ong và nhân sâm rừng để làm thành viên với liều lượng 6g/ngày. “Có bệnh thì vái tứ phương, thấy mọi người chia sẻ nên tôi cũng làm theo. Hy vọng bài thuốc sẽ có công dụng như mọi người chia sẻ”, chị Hà nói.
Chỉ là một vị thuốc, không thể chữa bách bệnh
Mặc dù nhiều người đang lan truyền bài thuốc từ cây mật nhân, nhưng theo các chuyên gia công dụng của loại cây này không như quảng cáo.
Theo tìm hiểu của PV, có rất nhiều tài liệu nói về tác dụng chữa bệnh của cây mật nhân. Nhưng cũng có nhiều tài liệu chứng minh cây mật nhân sẽ không đem lại tác dụng tích cực cho sức khỏe nếu không biết sử dụng đúng cách.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho hay, cây mật nhân có tên khoa học Eurycoma longifolia Jack, thuộc họ thanh thất. Đã có những nghiên cứu liên quan đến cây mật nhân, nhưng chỉ xoay quanh công dụng chữa các bệnh sinh lý nam giới. Còn những bệnh lý khác thì vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện và cụ thể trong từng bệnh.
Tuy nhiên, công dụng tăng cường sinh lực nam giới của cây này chỉ mới được nghiên cứu trong bài thuốc phối hợp với vị thuốc khác.
Rễ cây mật nhân ngâm rượu chữa được bách bệnh? (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia Đông y, việc sử dụng thuần túy một vị thuốc đông y để chữa bệnh là không khoa học. Một vị thuốc để chữa cho tất cả các bệnh nhân là điều hoang đường. Cây này không chữa được nhiều loại bệnh như quảng cáo là điều trị chống gút, chữa khí hư huyết kém ở phụ nữ, phòng chống ung thư, tăng cường chức năng gan, hỗ trợ tiêu hóa...
“Người dân không nên quá tin vào quảng cáo. Nếu dùng cây mật nhân, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sỹ, nếu không sẽ phản tác dụng” – Lương y Trung nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, quan điểm của Đông y là không nói đến “thuốc” mà phải là “thang thuốc” - phải kết hợp nhiều vị thuốc chứ không thể dùng một cây mật nhân để chữa bệnh.
"Từ trước đến nay tôi chưa thấy ai dùng độc nhất cây mật nhân mà chữa bệnh cả", lương y Trung khẳng định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]