Những chàng trai mắc căn bệnh dậy thì muộn thường khó làm chồng, làm cha...
21 tuổi, tinh hoàn bằng... hạt đỗ
Bước vào phòng khám với một gương mặt rầu rĩ, Khánh cất giọng ấp úng: "Dạ bác sĩ, cái ấy của cháu không lớn!". Khánh đã 21 tuổi, quê ở Hải Dương, đang là một sinh viên năm thứ hai của một trường đại học uy tín tại Hà Nội.
Vẫn giọng nói rụt rè, Khánh kể: "Hồi lớp 7, gia đình thấy cái ấy của cháu không lớn cũng đã lo lắng đi khám và không thấy tinh hoàn phải đâu. Sau đó, bác sĩ ở Hải Dương chẩn đoán cháu bị ẩn tinh hoàn, cần phẫu thuật để kéo xuống. Kể từ đó, cháu không thấy nó lớn hơn nhưng cũng không đi khám lại vì ngại. Đến bây giờ, sau kỳ nghỉ hè cháu có tìm hiểu một số thông tin trên mạng và được biết mình mắc bệnh. Cháu thấy lo lắng... Nhiều khả năng cháu sẽ bị vô sinh", giọng Khánh khàn đi.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, khoa Nam học, Bệnh viện Việt Đức, nhận định, căn bệnh này giờ không phải là hiếm. Có rất nhiều trường hợp đến khám và đều trong tình trạng quá tuổi dậy thì.
Thông thường, đến 18 tuổi, nếu không thấy các biểu hiện sinh lý như vỡ giọng, nổi hạt tí gây đau ngực, mọc ria mép, mọc lông mu..., gia đình phải đưa con em đi khám ngay. Càng điều trị sớm càng có nhiều hy vọng lấy lại được sức khoẻ sinh dục bình thường.
Trường hợp của Khánh đã ở mức độ điều trị khó khăn. 21 tuổi, nhưng tinh hoàn chỉ cậu bằng hạt đỗ, ngực không phát triển, lông mu không mọc, bộ phận sinh dục hoàn toàn như trẻ nhỏ. Cách điều trị duy nhất là tiêm hormone sinh dục nam và theo dõi đều sự phát triển trên cơ thể.
Có thể chữa trị, nếu...
Với phương pháp điều trị bằng hormone, bệnh nhân Minh (24 tuổi, kỹ sư sửa chữa máy tính) đã có nhiều chuyển biến.
Minh cho biết, khi 18 tuổi, anh đi khám, bác sĩ nhận định là dậy thì muộn nên cho về theo dõi và chờ. Đến năm 20 tuổi, anh đi khám lại và được tiêm thuốc nội tiết, sau đó có mọc lông nhưng "cái ấy" vẫn không to hơn được. Gia đình bèn đưa Minh vào TP HCM, đến Bệnh viện Bình Dân chữa trị. Sau một thời gian, ngực Minh có phát triển, có nổi hạt và bộ phận sinh dục to hơn. Do điều kiện xa xôi nên hiện Minh đến điều trị ở Bệnh viện Việt Đức.
Bác sĩ Bắc cũng trăn trở: "Loại thuốc ngoại dùng điều trị cho Minh hiện rất khó kiếm, bởi các công ty nhập khẩu thuốc đang tạm dừng việc nhập thuốc này".
Anh Nam ở Nghệ An cũng lặn lội ra Hà Nội mong muốn có một tia hy vọng được làm cha. Cơ thể phát triển muộn, 34 tuổi, anh Nam lấy vợ rồi mới biết mình bị ẩn tinh hoàn từ nhỏ. Hai vợ chồng không thể có con vì anh không có tinh dịch. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật trả lại đúng vị trí cho tinh hoàn nhưng việc này không giúp có con vì anh đến quá muộn.
Theo bà Trần Ngọc, trung tâm tư vấn tình cảm Ngọc Linh (Long Biên, Hà Nội), để tránh những trường hợp điều trị muộn như trên, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục đầy đủ những kiến thức về giới tính rất quan trọng: Hầu hết các em trong lứa tuổi dậy thì đều rất ngại trao đổi hay hỏi han người lớn. Một yếu tố khác khiến phụ huynh ít để ý hơn là vì biểu hiện dậy thì của trẻ trai kín đáo hơn trẻ gái. Các em gái thì có mẹ quan tâm, còn các em trai lớn ngại để mẹ biết trong khi bố thường đi suốt ngày. Điều này có thể gây ra những thiếu sót đôi khi để lại hệ quả không nhỏ.
Theo Danong
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]