Testosterone - “nhiên liệu” tối quan trọng
Nói đến sức khỏe của nam giới không thể bỏ qua sức khỏe tính dục. Sau tuổi 35, ở nam giới xảy ra một hiện tượng không tránh khỏi là giảm testosterone gây nên chứng MDN. Như vậy, MDN xảy ra khi nội tiết tố testosterone có giá trị sinh học trong máu giảm. Testosterone là một nội tiết tố nam, có vai trò quan trọng trong sản sinh tinh trùng và phát triển nam tính (giọng nói trầm, rậm lông tóc...).
Tế bào Leydig của tinh hoàn là nơi sản xuất testosterone, ngoài ra buồng trứng, vỏ tuyến thượng thận, nhau thai cũng tham gia tạo lượng nhỏ testosterone từ cholesterol. Theo các kết quả nghiên cứu đã được công nhận, từ sau 30 tuổi, nồng độ testosterone bắt đầu giảm trung bình 1% mỗi năm. Ở ngưỡng tuổi 40, nồng độ testosterone bắt đầu giảm chỉ còn khoảng 400ng/ dl trong máu. Từ sau 70 tuổi, nồng độ testosterone trong máu giảm nhanh, chỉ còn khoảng 260ng/dl, tức phân nửa so với giai đoạn ở độ tuổi trưởng thành. Testosterone có 2 tác dụng quan trọng trong cơ thể: tổng hợp đạm nên có vai trò trên sự phát triển của cơ thể đặc biệt cơ, xương… và tác dụng phát triển cơ quan sinh dục nam và giới tính nam (giọng nói, lông, tóc…). Đồng thời, việc duy trì đủ testosterone có thể giữ LDL cholesterol, triglycerides và fibrinogen thấp, tăng HDL cholesterol và hormone phát triển HGH, ổn định huyết áp, nhịp tim, giảm đề kháng insulin (đề kháng insulin tiền đề sinh bệnh đái tháo đường), giữ trương lực cơ ổn định, giảm mỡ toàn thân. Testosterone còn ổn định được tâm - thần kinh.
Giảm testosterone: hệ quả tất yếu của tuổi tác
Testosterone thấp là một hệ quả không thể tránh khỏi của tuổi cao, người ta thấy rằng khoảng 80% những người nam 60 tuổi giảm nồng độ testosterone. Cụ thể: lượng testosterone ở nam 20 tuổi khỏe mạnh khoảng1000 - 1200 nanograms/dl, tuổi 40 - 50 có giảm đáng kể, tuổi 80 mức này giảm còn 100 - 200 nanograms/dl gần bằng mức trước dậy thì.
Khi lượng testosterone máu giảm, những triệu chứng gợi ý là giảm ham muốn, chức năng tình dục giảm, sức khỏe cơ bắp giảm, tăng long xương, mập béo, giảm trí nhớ, dễ bị trầm cảm, hay ngủ gục, rụng lông tóc, lông mày…; giảm sản xuất hồng cầu, số lượng và chất lượng tinh dịch kém, trong đó số lượng tinh trùng giảm đáng kể. Xét nghiệm đo lượng testosterone máu sẽ cho biết cơ thể nam có đang giảm testosterone hay không (bình thường nam: 300 -1,200 ng/dL, Nữ: 30 - 95 ng/dL).
Ngoài yếu tố lão hóa, một số yếu tố khác cũng gây giảm testosterone và chứng MDN như: môi trường sống, chế độ ăn. Khi cơ thể phải tiếp nhận nhiều estrogen ngoại lai hằng ngày (Xenoestrogens): chủ yếu các chất từ dầu hỏa (petrochemical), có hoạt tính estrogen, hiện diện trong không khí, nhiên liệu, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt nấm, nhựa tổng hợp, thuốc xịt muỗi - côn trùng, mỹ phẩm… hoặc phải “hấp thu” estrogens tổng hợp (dùng trong chăn nuôi để kích thích tăng sản lượng sản phẩm trứng - thịt).
Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, nghiện thuốc lá, rượu, tiếp xúc với tia xạ, hóa chất, đang chịu một bệnh nặng, bệnh tuyến nội tiết khác (tuyến yên, tuyến thượng thận…), tăng chất sắt trong máu… cũng là các yếu tố dễ gây ra và làm chứng MDN thêm trầm trọng.
Sự kiện giảm đáng kể testosterone trong máu trong giai đoạn MDN là bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời người đàn ông, bởi đây không chỉ là vấn đề sinh hoạt tình dục đơn thuần mà còn là vấn đề tâm lý, xã hội phức tạp.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nam giới ở “độ tuổi nguy cơ” muốn biết có bị hội chứng MDN hay không, ngoài việc xét nghiệm thì có thể tự đánh giá bước đầu tình trạng của mình bằng việc xem xét hứng thú tình dục và khả năng cương dương có bị suy giảm hay không. Nếu có, “người bệnh” nên đến bác sĩ để được tư vấn và khám nhằm chẩn đoán bệnh một cách kịp thời và chính xác nhất.
Nếu bạn là nam giới trên 45 tuổi, để muốn biết bạn có bị hội chứng MDN hay không, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau (theo Morley JE):
1. Bạn có giảm ham muốn tình dục hay không?
2. Bạn có thấy thiếu sức sống hay không?
3. Bạn có giảm sức mạnh và độ bền của cơ hay không?
4. Bạn có cảm giác giảm chiều cao không?
5. Bạn có thấy giảm hứng thú với cuộc sống hay không?
6. Bạn có buồn bực và cáu gắt hơn bình thường hay không?
7. Khả năng cương của bạn có bị giảm không?
8. Bạn có ghi nhận gần đây giảm khả năng chơi thể thao hay không?
9. Bạn có hay buồn ngủ sau khi ăn tối không?
10.Bạn có ghi nhận giảm khả năng làm việc trong thời gian gần đây hay không?
Nếu bạn trả lời có với câu hỏi số 1 hoặc số 7, hoặc với bất kỳ 3 câu hỏi nào khác, có thể là do nồng độ testosterone của bạn bị giảm. Bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn và khám thêm.
Theo Danong
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]