Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân nam bị tai biến do bơm silicon vào “của quý”
Silicon là một chất gồm thành phần silic và gốc hữu cơ có tên hoá học là polydimethysiloxane. Bình thường, silicon tồn tại ở hai dạng: lỏng và đặc (dẻo). Những năm 60 của thế kỷ trước, trong y học, silicon lỏng được dùng để bù đắp những khuyết điểm của mô mềm. Tuy nhiên, khi chích chất này vào cơ thể, rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng, về lâu dài sẽ gây ra những di chứng như viêm mô da, xơ cứng, tổn thương da... Do vậy, silicon đã bị cấm sử dụng để tiêm trực tiếp.
Coi chừng “trâu lành thành trâu què”
Trước đây, một số nước Tây Âu, châu Á từng có xu thế bơm các chất như dầu thực vật, parafin, silicon vào dương vật hay quy đầu với mục tiêu cải thiện kích thước dương vật. Tuy nhiên, việc tiêm các chất trên thường dẫn đến hiện tượng biến dạng bộ phận sinh dục, hoại tử da, gây cương đau, rối loạn cương, thậm chí gây hoại tử bộ phận sinh dục… Do vậy, việc bơm silicon vào bộ phận sinh dục đã bị cấm thực hiện.
Tại Việt Nam, khoa nam học bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân được các cơ sở y tế tư nhân không có chuyên môn tiêm silicon lỏng vào bộ phận sinh dục. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dương vật bị lở loét, hoại tử da, biến dạng, trồi sùi do silicon nhiễm vào thể hang, “chạy” khắp nơi… Các bệnh nhân được phẫu thuật nạo silicon ở thể hang, cắt toàn bộ da dương vật và ghép da mới. Nhiều trường hợp silicon đã nhiễm xuống bìu phải tạo hình bìu lại. Bệnh nhân thường phải nằm viện từ 10 - 15 ngày để điều trị với chi phí khá cao.
Silicon có giúp trị rối loạn cương?
Việc tiêm silicon không cải thiện được tình trạng rối loạn cương, thậm chí còn làm nặng thêm, do những biến dạng của dương vật, sẹo co kéo gây cương đau, và cũng làm đau bạn tình. Việc điều trị biến chứng do bơm silicon lỏng trực tiếp vào dương vật hết sức khó khăn, bởi đây là bộ phận nhạy cảm nhất. Giống như việc nạo vét biến chứng silicon từ ngực, việc bơm silicon lỏng có thể gây hoại tử dương vật phải cắt bỏ và tái tạo dương vật mới. Vì vậy, quý ông khi có biểu hiện suy yếu trong quan hệ chăn gối nên đi thăm khám và điều trị rối loạn cương “đúng thầy đúng thuốc” tại khoa nam học của những bệnh viện uy tín.
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng
Quyền trưởng khoa nam học, bệnh viện Bình Dân TPHCM
Theo Danong
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]