Chị Duyên đang lựa chọn đồ chơi vịt nhựa cho con.
Tràn lan đồ chơi nhiễm độc
Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều gia đình có con nhỏ đều sắm cho con một đàn vịt nhựa để chơi khi tắm. Những chú vịt màu sắc bắt mắt được thả bơi trong chậu nước khiến các em nhỏ rất thích thú. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em, cửa hàng lưu niệm cũng như tại các chợ: Hà Đông, Phùng Khoang (Hà Nội)… đều bày bán vịt nhựa. Sản phẩm này được đựng trong túi nilon hoặc túi cước không có nhãn mác, xuất xứ. Có loại gồm một gia đình vịt 4 con và túi có 10 con trở lên. Giá loại này rất rẻ, trung bình từ 5.000 - 10.000 đồng/con. Những con vịt này đều được làm từ nhựa, khi mở túi nilon có mùi hắc khó chịu. Đặc biệt, khi sờ tay vào con vật sẽ cảm giác như chúng được phủ lớp phấn.
Dù có thông tin về đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại nhưng với tâm lý ham của rẻ, chỉ cần cho trẻ chơi vài ngày là chán rồi bỏ đi cũng không tiếc nên nhiều bậc phụ huynh vẫn chọn mua đồ chơi Trung Quốc cho con.
Tại một cửa hàng đồ chơi ở đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội), chị Ngọc Duyên cho biết: “Tôi có nghe thông tin về những đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc, gần đây là vịt nhựa. Nói vậy, trẻ con luôn thích đồ chơi mới, vài ngày chúng vứt đi thôi. Vả lại mình cũng không phân biệt được loại nào có độc, loại nào không?”. Khi PV hỏi chủ cửa hàng về nguồn gốc của sản phẩm thì nhận được câu trả lời hàng nhập ngoại, tuyệt đối an toàn ngay cả khi trẻ đưa đồ chơi lên miệng. Chủ cửa hàng còn cho hay, đồ chơi vịt nhựa rất được các mẹ thích mua về cho con chơi khi tắm(?!).
Không riêng gì đồ chơi vịt nhựa vừa được phát hiện có chứa phthalate, mà trước đó nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như búp bê trẻ em, bóng bơm hơi, thú nhún và xe đồ chơi điều khiển bằng pin MH9996M cũng đã bị thu hồi do nhiễm chất phthalate. Những sản phẩm này vẫn được nhiều nơi bày bán.
Độc càng cao khi thả vào chậu nước tắm của trẻ
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, phthalate là nhóm các hóa chất thông dụng được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa để làm dẻo nhựa. Thường trong nhựa quy định 0,1- 0,2% nhưng khi sản xuất vì muốn nhựa dẻo hơn họ có thể trộn phthalate với hàm lượng cao hơn. Chất này rất dễ thôi ra. Khi bị thôi ra có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ở nước ta chưa có số liệu về các giá trị gây độc hay lượng tối đa cho phép sử dụng phthalate trong nhựa. Hiện mới chỉ có một số nước như: Canada, Mỹ, EU có tiêu chuẩn cụ thể, quy định đặc biệt đối với đồ chơi trẻ em mà trẻ có thể ngậm, mút cho vào miệng với ngưỡng an toàn của phthalate trong sản phẩm đồ chơi trẻ em là không quá 1.000mg/kg, còn cao hơn nữa thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Khoa Dược (ĐH Y dược TP HCM) cho rằng, không phải bây giờ người ta mới quan tâm đến phthalate độc hại. Các dẫn chất phthalate vốn dùng làm chất hóa dẻo cho các bao bì nhựa như chai, can, túi, đầu núm vú, đặc biệt trong đồ chơi cho trẻ bằng chất dẻo, nhựa. Khi sử dụng, các dẫn chất phthalate bị thôi ra và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể con người. Trẻ nguy cơ nhiễm chất này cao hơn do ngậm, liếm, mút.
Lượng phthalate tích tụ lớn còn có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể. Đối với trẻ, khi tiếp xúc hỗn hợp hóa chất này nguy cơ dị ứng cao, ảnh hưởng đến hệ sinh dục ở trẻ. Phthalate còn làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, bé gái bị nhiễm phthalate sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Gần nhất, nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đài Loan thực hiện tại Khoa Y (ĐH Quốc gia Chen Kung) nghiên cứu trên 30 bé gái dậy thì sớm so với 33 bé gái bình thường. Kết quả nước tiểu bé gái dậy thì sớm chứa lượng monomethyl phthalate cao hơn nhiều so với bé gái bình thường và cho rằng đây là một nguyên nhân gây dậy thì sớm cho các bé gái.
Giải thích rõ hơn điều này, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, những chất bên ngoài môi trường đưa vào cơ thể con người hoạt động như estrogen được gọi là xenoestrogen. Cơ thể bé gái chưa dậy thì nhưng khi tiếp xúc xenoestrogen sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên ở não tiết ra các hormone hướng dục khiến buồng trứng làm việc và làm xuất hiện sớm những hiện tượng đặc trưng của giới tính nữ như phát triển vú, mọc lông nách, thậm chí xuất hiện kinh nguyệt...
Các chuyên gia khuyến cáo, phthalate ở nhiệt độ cao rất dễ thôi ra. Khi ở nhiệt độ cao, các sản phẩm nhựa cao su cũng dễ thôi ra các hóa chất độc hại như các chất tạo màu công nghiệp, các chất hóa học giúp tăng độ dẻo, độ bền... Để tránh nguy hại sức khỏe, mọi người không nên thả đồ chơi trong chậu nước tắm ấm cho con chơi, đặc biệt là thả những đồ chơi bằng nhựa và cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cha mẹ cần chú ý không cho trẻ ngậm, mút, liếm đồ chơi. Ngoài việc gây những căn bệnh nguy hiểm, tác hại trước mắt có thể là nguy cơ sặc khi trẻ nuốt phải dị vật hay nhiễm khuẩn do điều kiện vệ sinh đồ chơi không đảm bảo. Cần chọn và vệ sinh đồ chơi của con thật sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên cho bé bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]