Nhân viên y tế tiêm chủng vắcxin Quinvaxem cho trẻ tại phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Tuy nhiên, ngay sau khi loại vắcxin này được đưa vào tiêm đồng loạt trên toàn quốc, đã có rất nhiều sự cố tiếp tục xảy ra đã khiến không ít phụ huynh lại tiếp tục đưa ra các mối nghi ngờ.
Trước các luồng thông tin trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng để làm rõ hơn về vấn đề này.
- Sau hơn nửa năm ngưng sử dụng vì nhiều sự cố, ông có thể cho biết tình hình triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem trên cả nước hiện nay?
Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc cho phép Bộ Y tế tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong Tiêm chủng mở rộng và nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng. Ngày 21/8/2013 Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng kèm theo Quyết định số 3029/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong thời gian từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã có 36 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vắcxin Quinvaxem.
Hiện nay, tại 4 khu vực gồm có miền Bắc (15 tỉnh, thành phố), miền Trung (5 tỉnh, thành phố), khu vực Tây Nguyên (4 tỉnh), miền Nam (12 tỉnh, thành phố) và đã tiêm khoảng 300.000 liều vắcxin.
- Ông có thể cho biết, mỗi tháng trên cả nước có khoảng bao nhiêu trẻ thuộc diện phải tiêm chủng?
Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Có thể nói rằng việc triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng thời gian vừa qua được sự quan tâm rất lớn, không chỉ của các bậc cha mẹ, cán bộ y tế mà còn của cả cộng đồng.
Hiện cả nước có khoảng 17.000 điểm tiêm chủng, bao gồm cả điểm tiêm chủng cố định và điểm tiêm chủng lưu động.
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi tháng có khoảng 400.000 trẻ được tiêm chủng.
- Thưa ông, với số lượng trẻ tiêm chủng khá nhiều như vậy, đặc biệt là gần đây có rất nhiều trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem, trong đó tuần trước tại tỉnh Quảng Trị có một trẻ tử vong sau khi tiêm loại vắcxin này khiến nhiều phụ huynh tiếp tục lo lắng. Trước những thông tin trên, Bộ Y tế lý giải thế nào?
Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Do tính chất quan trọng của việc tiêm trở lại vắcxin Quinvaxem đợt này nên Bộ Y tế đã chỉ đạo rất chặt chẽ quá trình tiến hành tiêm chủng của các địa phương nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn đối với các cháu.
Qua giám sát của ngành y tế các tỉnh cũng như các viện Vệ sinh dịch tễ cho thấy trong quá trình tiêm chủng có một số trường hợp có phản ứng sau tiêm song các phản ứng sau tiêm được ghi nhận.
Các trường hợp phản ứng sau tiêm chủ yếu là quấy khóc, sưng tại chỗ tiêm, sốt, rất ít một vài trường hợp có biểu hiện tím tái, co giật nhưng không nặng. Những em bé đó đều đã được theo dõi, chăm sóc và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế, hiện các trẻ đều ổn định và ra viện.
Bộ Y tế nhận định đây là những phản ứng thông thường sau tiêm vắcxin Quinvaxem, các phản ứng này đều nằm trong giới hạn thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới. Đặc biệt, gần đây nhất có một trường hợp trẻ tử vong năm ngày sau tiêm tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã được điều tra, đánh giá và xác định là tử vong do viêm phổi nặng, không liên quan đến tiêm chủng.
- Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch tăng cường an toàn tiêm chủng để triển khai Kế hoạch này tới các địa phương. Ông có thể cho biết, sau hơn một tháng, kết quả thanh tra ra sao?
Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành triển khai một cách quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, tránh những sai sót có thể xảy ra trong thực hành tiêm chủng như tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.
Đến nay, sau hơn hai tháng triển khai mạnh mẽ Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, các địa phương trên cả nước đã thanh tra, kiểm tra 11.714 điểm tiêm chủng (đạt 83%) trong đó 8.336 điểm đủ điều kiện tiêm chủng (đạt 90%).
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tiếp tục đi kiểm tra đồng thời các đoàn của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cũng đang tiến hành đi các địa phương để kiểm tra và hướng dẫn các địa phương triển khai tốt các hoạt động đảm bảo an toàn tiêm chủng.
- Với số lượng khổng lồ là hơn 17.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc, công tác an toàn tiêm chủng được rất nhiều người quan tâm. Vậy, để làm tốt công tác này, ông có thể cho biết chiến lược sắp tới của Bộ Y tế sẽ triển khai như thế nào?
Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Để làm tốt công tác này, tôi nhận thấy sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đầu tư của Chính quyền các cấp là rất quan trọng.
Chúng tôi cũng mong rằng các bà mẹ tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng một cách đầy đủ và đúng lịch, tạo điều kiện giúp đỡ cho cán bộ và ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời cũng có thể giám sát, góp ý để cán bộ y tế thực hiện ngày một tốt hơn.
Để đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn cho trẻ em, cũng như tạo niềm tin cho cộng đồng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ các điểm tiêm chủng trên địa bàn, khắc phục những tồn tại, chỉ những điểm tiêm chủng đủ điều kiện mới được phép tiến hành tiêm chủng. Các cơ sở chưa đạt điều kiện phải hoàn thiện đủ các điều kiện mới tiến hành tiêm chủng.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tổ chức tập huấn về khám sàng lọc và hỗ trợ các điểm tiêm chủng trong việc khám sàng lọc trước khi tiêm chủng. Hướng dẫn các bà mẹ theo dõi chăm sóc trẻ sau tiêm, theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm để đảm bảo trẻ em được tiêm chủng an toàn./.
Theo Thùy Giang - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]