Hãy có những cách xử lý kịp thời khi bị bỏng.
Trong sinh hoạt đời thường, tai nạn bỏng cũng thường xảy ra. Trong khi nấu ăn, đun nước sôi, sử dụng bàn là, cháy nhà..., tai nạn bỏng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với mọi đối tượng. Sau khi bị tai nạn bỏng, điều cần thiết là sơ cứu đúng cách.
Bước đầu tiên là xác định mức độ tổn thương. Tùy theo mức độ tổn thương, tình trạng vết bỏng mà có cách sơ cứu thích hợp. Bỏng độ 1 và độ 2, thông thường nơi da bị bỏng có màu đỏ, cảm giác chỗ da đỏ sưng tấy lên. Đau và rất rát là dấu hiệu thường thấy.
Nguyên nhân gây bỏng thường là trong sinh hoạt do nước nóng, không may chạm phải vật có nhiệt độ cao như nồi niêu, chảo đang đun trên bếp, mặt bàn là đang dùng, rán mỡ bắn...
Ở bỏng độ 1, chỉ có lớp ngoài của da bị tổn thương. Bỏng độ 2, mức độ tổn thương sâu hơn, có thể gây tổn thương tới lớp biểu bì. Khi bị bỏng độ 1 và độ 2 có thể xử trí tại chỗ như sau:
Giảm nhiệt độ tại chỗ: Người bị bỏng nên tìm cách giảm nhiệt tại chỗ vết bỏng bằng cách nhúng ngay nơi bị bỏng vào nước sạch, tốt nhất là xả dưới vòi nước mát trong 10 hoặc 15 phút hoặc cho đến khi cơn đau giảm. Nếu không có điều kiện (không có tại chỗ vòi nước) có thể dùng khăn vải sạch, thấm nước mát ấp vào vết bỏng.
Băng phủ vết tổn thương: Dùng băng gạc y tế vô khuẩn hoặc băng vải sạch tự tạo (nếu không có điều kiện) để băng lên tổn thương. Chú ý không sử dụng loại băng vải có nhiều xơ lông. Không băng ép mạnh khiến vết phỏng bị vỡ.
Dùng thuốc giảm đau: Trong bỏng độ 1, không cần thuốc giảm đau. Tuy nhiên có người có thể đau không chịu được. Khi đó cần mua thuốc để giảm đau. Hãy hỏi bác sĩ để được chỉ định đúng trong từng trường hợp.
Nốt bỏng nhỏ thường lành dần mà không cần điều trị thêm. Nhưng nếu có các dấu hiệu nhiễm khuẩn, như đau tăng lên, tấy đỏ, sốt, vết bỏng có dấu hiệu chảy nước... cần phải đến bệnh viện.
Đối với vết bỏng có diện tích lớn, ở vị trí mặt, bàn tay, bàn chân, háng hay mông cần tư vấn bác sĩ ngay sau khi sơ cứu.
Chú ý:
Không sử dụng nước đá trực tiếp trên nốt bỏng.
Không bôi mỡ, dầu ăn, kem đánh răng... lên vết bỏng vì có thể gây nhiễm khuẩn.
Không làm vỡ mụn nước: Làm vỡ mụn nước nguy cơ bị nhiễm khuẩn sẽ tăng.
Bỏng nặng
Được xác định là bỏng nặng trước hết là mức độ tổn thương sâu, liên quan đến tất cả các lớp của da và thậm chí cơ và xương có thể bị ảnh hưởng. Diện tích bỏng lớn (chiếm từ 15% diện tích da cơ thể ở người lớn và 10% ở trẻ em). Vết bỏng trắng nhợt hoặc xám lại, khô cứng và mất cảm giác (không đau).
Trong nhiều trường hợp nạn nhân bị bỏng nặng còn bị ngạt , khó thở do ngộ độc khí carbon monoxide. Đây là một cấp cứu khẩn cấp cần nhận được trợ giúp y tế nhanh chóng. Trước khi lực lượng cấp cứu y tế tới, hãy làm theo các bước sau:
Không loại bỏ quần áo bị cháy: Tuy nhiên, phải bảo đảm rằng nạn nhân không còn tiếp xúc với các vật liệu cháy âm ỉ hoặc tiếp xúc với khói hoặc nhiệt.
Không nhúng vết bỏng lớn trong nước lạnh: Làm như vậy có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt), giảm huyết áp và có thể sốc.
Kiểm tra các dấu hiệu sống: Nếu không có hơi thở hoặc dấu hiệu sống khác, ngay lập tức bắt đầu cấp cứu tim phổi.
Che phủ khu vực các nốt bỏng: Sử dụng vải ẩm hoặc khăn ẩm, băng vô trùng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]