Nhóm bệnh về đường hô hấp
Nhóm bệnh về đường hô hấp là nhóm bệnh hay gặp nhất với các bệnh cúm, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản. Các bệnh này thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai, những người có bệnh mãn tính (tăng huyết áp, tiểu đường, lao phổi, COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính), suy giảm miễn dịch).
Cảm cúm là bệnh thường gặp nhất vào mùa lạnh
Người bệnh về đường hô hấp sẽ có triệu chứng sốt, đau nhức cơ, đau đầu, ho, chảy nước vàng, xanh, đau ngực… Các bệnh đường hô hấp gây khó chịu cho người bệnh, các bệnh cúm thường gây những trận dịch lớn trong cộng đồng.
Khi mắc cảm lạnh bạn sẽ bị đau họng, chảy nước mũi, khó thở, tiết nhiều nước mắt, đau các khớp, sốt, nghẹt mũi và ho. Cách hữu hiệu nhất để “trị” chứng cảm lạnh và giảm cảm giác đau đớn là bạn cần tránh vận động khi không cần thiết, dành thời gian để nghỉ ngơi, bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần, đặc biệt là nên uống thêm các loại nước quả.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày bạn nên chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý đến việc duy trì độ ẩm trong phòng, không khí khô hanh thiếu đi độ ẩm cần thiết là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây cảm lạnh hoạt động và tấn công bạn.Chú ý không nên sờ vào mắt, mũi, miệng khi tay chưa sạch. Đây là lưu ý rất quan trọng vì nó sẽ giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của các loại vi rút có hại.
Bệnh da
Biểu hiện da tay, chân bị khô, nứt nẻ, bong vảy, thường xuất hiện ở đầu ngón sau đó lan dần hết cả bàn. Bên cạnh đó còn phải kể đến các bệnh như: viêm môi do lạnh, viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh ở mặt, viêm da cơ địa chung.
Phòng bệnh, điều quan trọng là giữ ấm cơ thể; sử dụng kem dưỡng làm ẩm da phù hợp với từng vị trí da: môi, mặt, tay, chân, cơ thể. Trong trường hợp bôi kem dưỡng không hiệu quả thì nên kết hợp thuốc bôi đặc trị. Ngoài ra, cần ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất; tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, xà phòng; tắm nước ấm, không tắm nóng quá, dễ gây ngứa.
Bị cước
Ngâm chân bằng nước ấm và thảo dược làm giảm sưng phù do cước chân
Vào những ngày mùa đông, bạn thường rất khó chịu vì tê cứng và đau đớn khi bị cước. Hiện tượng cước có thể xảy ra ở tay, chân, má, mặt, mũi, cằm, trán, tai, cổ tay.
Để phòng ngừa: khi ra ngoài bạn cần biết cách bảo vệ mình bằng cách mặc quần áo ấm, đeo găng tay, đội mũ, đi tất, giày và nên ngâm chân vào nước ấm mỗi buổi tối.Nếu bạn bị cước lâu ngày, kéo dài không nên tự tìm cách khắc phục, mà hãy tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng hướng.
Lưu ý không nên xoa bóp mạnh và nhiều lên những vùng da bị cước, sẽ gây nên những ảnh hưởng không tốt tới các tế bào da. Càng không nên dùng đá để chườm với hy vọng làm giảm vùng sưng phù do cước gây nên, việc đó sẽ làm cho tình hình ngày càng trở nên xấu hơn.
Theo Dã Quỳ - Tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]