Sốt xuất huyết do virus Ebola đang xuất hiện trở lại và gây thành dịch, làm tử vong nhiều người ở Angola thuộc châu Phi. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, song cho đến nay, những hiểu biết về virus này vẫn còn nhiều hạn chế.
Dưới đây là những câu hỏi nhiều người quan tâm về con đường lây truyền của virut Ebola và cách phòng tránh.
1. Con đường lây truyền của virut Ebola sang người:
Nhiễm Ebola là một tình trạng cấp tính, do đó không có tình trạng người lành mang virus.
Vi rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, vi rút lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.
Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm vi rút Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
2. Những người có nguy cơ nhiễm virut Ebola cao nhất:
Trong một vụ dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, các đối tượng sau có nguy cơ cao nhiễm vi rút gồm:
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh
- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola
- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm vi rút Ebola trong rừng
- Cán bộ y tế.
3. Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh do vi rút Ebola:
Người mắc bệnh do vi rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
4. Trong thời gian xảy ra nạn dịch Ebola, có nên đi công tác và đi du lịch không?
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới thường xuyên theo dõi và đánh giá tình hình sức khỏe cộng đồng. Đến nay (1/8/2014) chưa đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế.
Nguy cơ lây nhiễm cho người đi du lịch rất thấp, do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hay các chất bài tiết của người nhiễm bệnh.
Đối với người đi công tác và du lịch, Tổ chức Y tế thế giới có những khuyến cáo sau:
- Tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh
- Cán bộ y tế đi làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn
- Nếu bạn đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên
- Nhân viên chăm sóc y tế cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do vi rút Ebola.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]