Đái tháo đường đang thực sự là gánh nặng của xã hội khi số người bị bệnh không ngừng gia tăng, chi phí điều trị bệnh cũng là vấn đề nan giải với thời gian điều trị kéo dài. Hiện nay, bệnh đái tháo đường không còn là vấn đề của một quốc gia mà là vấn nạn đe dọa sức khỏe của toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo công bố của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường năm 2012 là 5,7% trong khi năm 2002 tỷ lệ này mới chỉ khoảng 2,7% dân số. Đây là mức gia tăng đáng báo động vì trong vòng 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng lên gấp đôi.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh này cao trong khu vực châu Á là do sự thay đổi trong tăng trưởng kinh tế đã kéo theo rất nhiều thay đổi trong xã hội. Bởi từ những thay đổi về lối sống cũng như về chế độ dinh dưỡng và thói quen lười vận động của người dân đã dẫn tới con số người mắc bệnh ngày càng tăng cao.
Thống kê của Tổ chức Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2012 trên thế giới có hơn 370 triệu người mắc bệnh (khoảng 6% dân số toàn cầu). Tỷ lệ số người mắc bệnh tăng lên ở các nước phát triển là 42% nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam lên đến 170%.
Việc điều trị bệnh đái tháo đường, đặc biệt là với người cao tuổi, vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp phát hiện bệnh đái tháo đường ở giai đoạn muộn, khi đã có biến chứng nặng nề về mắt, tổn thương thận, thần kinh, loét chân dẫn đến phải cắt cụt chi, nhiễm trùng... Nguy cơ tử vong do bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận tăng 3 lần khi bị mắc căn bệnh này.
Đây không chỉ là vấn đề nan giải tác động trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân mà còn là gánh nặng đối với sự phát triển của toàn xã hội. Đối với những bệnh nhân nằm viện, chi phí điều trị bệnh có khi lên tới con số hàng trăm triệu đồng. Cũng theo một thống kê, mỗi năm, nước ta tốn khoảng 3 đến 6% ngân sách của ngành y tế để dành cho việc chữa trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Đây là sức ép rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang trên đà phát triển.
Ngoài những vấn đề về chi phí và thời gian điều trị, người bệnh cũng gặp khó khăn trong vấn đề thuốc men. Bà Lê Thị Trang (50 tuổi, quận 5, TP HCM) chia sẻ, cứ mỗi tháng bà lại đi khám định kỳ để được phát thuốc. Tuy nhiên, mỗi lần bà được một bác sĩ khác nhau khám và kê liều dùng cũng khác nhau. "Có rất nhiều loại thuốc nên tôi không thể nhớ hết các tên thuốc để không bị lẫn lộn. Vì thế, tôi luôn mong muốn có loại thuốc nào tích hợp điều trị bệnh mà không phải sử dụng nhiều loại thuốc như vậy", bà Trang chia sẻ.
Cũng theo các bác sĩ, một số loại thuốc hiện tại điều trị đái tháo đường không khống chế được tình trạng bệnh lý, buộc bác sĩ điều chỉnh tăng liều cho bệnh nhân hoặc phối hợp một số nhóm khác nhau. Chính vì vậy, việc phối hợp sẵn nhiều hoạt chất trong một loại thuốc duy nhất vừa giúp bệnh nhân tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc, vừa giúp việc kê toa của bác sĩ nhanh chóng, chính xác và nhân viên dược cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý tên thuốc. Hiện nay đã có loại thuốc phối hợp trong một viên với một lần uống, cải thiện tình trạng điều trị, giúp người bệnh kiểm soát tốt được đường huyết và chủ động hơn trong suốt quá trình điều trị.
Ngoài ra, người bệnh nên có lối sống lành mạnh, hạn chế bia rượu và thuốc lá và có chế độ ăn uống hợp lý, tránh lạm dụng chất béo, muối để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh cần phát hiện và điều trị sớm. Kết hợp với việc dùng đúng thuốc, người bệnh sẽ có cuộc sống thoải mái hơn, giảm gánh nặng chi phí điều trị.
Theo Diệp Trương - Vnexpress.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]