Câu chuyện thú vị về hành trình khám phá BAGAN, MYANMAR của cặp vợ chồng trẻ Huyền Miu và Alex Pham sẽ khiến bạn muốn dịch chuyển ngay lập tức. Những lời chia sẻ dí dỏm và cực kỳ chi tiết về chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm này sẽ là gợi ý vô cùng hấp dẫn cho bạn!
P3: Ngày 2: Hoàng hôn đầu tiên tại Bagan và lần mò trong đêm tối
"Giờ đang ngồi ở Cộng Cafe, Quán Sứ, trời đẹp quá - không gian và con người nom cũng đáng yêu hơn hẳn. Thế nên, dù cái chân đau nhức đang hành mấy hôm nay rồi, vợ tôi vẫn thương cảm mà đưa cái thân già này đi ngắm phố phường!
Tôi xin tiếp tục câu chuyện của mình. Thời điểm chúng tôi đến Bagan là đầu tháng 2, ngập tràn nắng, lúc đó Hà Nội vẫn đang mưa rét não nề, nên thấy nắng vàng ở khắp nơi là đã đủ khiến tôi sung sướng tởn lên rồi! Nhưng khoan, đoạn nắng gió này từ từ đã - tôi phải nói lại một chút về cái khúc cuối của phần trước cho nó rõ ràng hơn nhỉ?
Xe khách đến bến xe Bagan lúc 5h sáng, bến xe lèo tèo ít đèn heo hắt và chỉ có chuyến của chúng tôi đáp bến. Bạn nào hay đi xe khách ở Việt Nam, chắc cũng không lạ cảnh chưa xuống xe đã thấy lố nhố ở cửa các anh zai xe ôm và taxi chen lấn mà hô dõng dạc “Áo đen nhé... Áo cam nhé... Áo nâu đeo kính nhé” - Ấy là họ đang tự đặt chỗ mặc định cho các đối thủ cạnh tranh xung quanh là: “Con mồi của tao đấy, chúng mày chớ động vào”. ( Đùa thôi). Thì ở Bagan, cái cảnh đó cũng diễn ra y xì luôn! Các anh quấn váy và nhai trầu cũng đông đảo vô cùng, lố nhố ngay khi xe vừa đến, làm tôi thấy thật gần gũi thân thương quá nhưng vợ và em vợ có vẻ hơi sợ, to cao đen hơi hôi hôi thế cơ mà.
Sau khi lấy hành lý, chúng tôi hỏi giá xe taxi đi vào khu New Bagan ( trong đầu đã có sẵn mức giá khảo sát trước là tầm 10.000 chạt) thì 1 anh zai cho hay: 3 người - 15.000 chạt. Goắt dờ phốt phát, đắt thế! Tính ra lệch hẳn 100k tiền Việt, vậy là chúng tôi chia nhau ra, tôi tiếp tục chém gió với anh zai kia, vợ tôi Huyền Miu chạy ra hỏi thông tin tiếp viên nhà xe, con em Ruby Nguyen thì xem bản đồ. Chốt lại, chúng tôi lên xe với giá đúng... 15.000 chạt.
Lý do:
1 - Quá mệt, lại còn phải mặc cả câu được câu chăng.
2 - Tiếp viên nhà xe cũng tránh cung cấp thông tin, chắc vì thỏa thuận không xâm phạm miếng cơm của nhau!
3 - Một hồi bị bu quanh, ngẩng lên còn lại mỗi chúng tôi
Thế nên, tôi có lời khuyên với các bạn đi sau, nếu không quá chặt chẽ và còn dư năng lượng, thì hẵng mặc cả, chắc cũng giảm được đôi ba nghìn chạt, bảng giá ta xi có ghi 7000 chạt 1 chuyến từ bến đến New Bagan, nhưng cũng chỉ để tham khảo cho vui. Mà tốt nhất, giữa lúc đến vừa tối tăm lại mệt lòi ra rồi, thì nên đi cho sớm chợ. Trên đường đi, anh zai taxi sẽ liên tục gợi ý đi ngắm bình mình với mức phí “a little more!” Nhưng tốt nhất là thôi, về khách sạn cho sớm đã.
Đến Bagan, bạn phải mua vé ở ngay cửa ngõ vào, đoạn qua bến xe 1 chút xíu, đó là mức phí thu của khách du lịch: 25,000 chạt/ người (cũng khá chát. Sau khoảng 20p ngồi xe, chúng tôi đã đến được khách sạn Mya Thida. Lúc này là 6h kém 10 sáng. Đứa nào cũng đói và buồn ngủ, xung quanh chẳng có hàng quán nào ăn uống, rất may đã có mỳ cốc thần thánh mang theo, thế là mỗi đứa làm 1 nhát, dạo bộ một lát, đến tầm hơn 8h đã có thể lấy phòng. Thống nhất ngủ, trưa dậy đi ăn và đi chơi cho sung sức!
Sau giấc ngủ, chúng tôi đã hồi sức lực khá nhiều. Nhưng bụng thì lép kẹp, vậy nên chọn ngay một quán trông khá là phong cách gần chỗ ở có cái tên khá thú vị “ Quán 7 chị em”, trang trí ổn, không gian dễ chịu, điểm hay của thời tiết ở Bagan lúc này đang là mùa thu, vẫn rất nắng, tuy vậy lại không bị oi bức, chỉ cần vào bóng râm là mát mẻ ngay. So nice!
Phần trên, tôi kể cũng kha khá rồi! Ấy nhưng các bạn nếu có đọc và chịu khó đọc đến đoạn này rồi, thì những gì tôi kể tiếp theo đây mới là đoạn cao trào tạo nên những cảm xúc tuyệt vời tại mảnh đất này!
Phương tiện di chuyển dành cho khách du lịch tại Bagan chủ yếu là xe máy điện, xe đạp. Ngoài ra còn có xe ngựa, nhìn khá thú vị và hấp dẫn. Ban đầu chúng tôi cũng dự định thử cho biết, nhưng về sau thì quyết định chọn xe máy điện là phương tiện di chuyển cho cơ động và dễ tạt té. Có 3 điểm cho thuê xe quanh chỗ chúng tôi ở, xe máy điện có 3 loại với các mức giá khác nhau: Big - medium - small. Chúng tôi thuê một chiếc to cho 2 vợ chồng và 1 cái cỡ vừa cho cô em với giá 7000 chạt từ trưa đến 8h tối. Cưỡi lên con xe thì cũng vững tay lắm, vì ở nhà tôi vẫn đi chợ cho vợ bằng xe đạp điện mà, quẩy cũng ra trò đấy.
Nhưng băn khoăn lớn nhất là chỉ sợ lượn nhiều giữa đường hết điện hoặc xe hỏng thì không biết làm sao. Vì cả 3 đứa đều không sử dụng điện thoại được ở đất này. Mà thôi, cứ tặc lưỡi đi đã, đến đâu hay đến đó !
Khi tìm hiểu về những điều nổi trội của Bagan, chốt lại có 3 thứ không thể không thưởng thức, đó là: Bình Minh - Đền chùa - Hoàng Hôn.
Tất nhiên, với những tay lượn có thâm niên như chúng tôi, phải lên kế hoạch từ trước chứ! Đích cuối đến: Chùa Ananda (to và nổi tiếng) - điểm ngắm hoàng hôn đã được khoanh vùng trên bản đồ - ăn tối tại quán The Moon ( review top lun). Nghĩ đến đã thấy thật kích con nhà bà thích. Hăm hở phóng xe veo veo đầy hứng khởi theo tuyến đường đã định. Mặc dù quả bản đồ lấy từ sân bay không được rõ ràng cho lắm, nhưng cũng như bao nhiêu chuyến đi khác thôi, bí đâu hỏi đấy, các cụ dạy đường đi ở mồm mà lại.
Ây da, nhưng đời thường tưởng vậy mà không phải vậy các mẹ ạ, cái bản đồ giúp chúng tôi đi được đúng đến ngã 3 ra khỏi khu vực trung tâm thị trấn thì tịt, vẽ hình méo liên quan lắm với đường thực tế luôn. À quên, tôi phải nói thêm 1 điểm. Từ ở nhà đã đọc được là, internet ở Bagan là có cho vui, kể cả các khách sạn luôn! Sim 3G cũng vậy . Khi sang đến đây, thực tiễn cũng chứng minh là cái kinh nghiệm này thì chẳng sai tý nào. Thiết nghĩ, đây cũng là 1 lý do to tướng để cơ số nam thanh nữ tú khi đến đây chán ngán vô cùng - haha- quay lại vấn đề của chúng tôi, với tình hình mạng mẽo như vậy, tìm đường bằng công nghệ GPS coi như bỏ, em Ai phôn Pờ lớt chỉ được mang theo với 1 công dụng duy nhất là chụp hình cho nó nuột.
Vậy nên, ta phải áp dụng công nghệ mồm thôi. Thì lúc này, tôi lại quên phải nói thêm 1 điểm nữa đó là dân tình ở đất này không chơi tiếng Inh lích nhiều, và không phải ai cũng đọc được ký tự latinh. (Điểm này gây ra 1 số tình huống dở khóc dở cười mà tôi sẽ kể sau này). Sau một hồi mồm miệng tía lia kết hợp bo đì leng guých thì chúng tôi cũng xác định được tuyến đường chính, nhưng điểm đến là chùa Ananda thì hỏi mấy người đều chịu. Chắc lần sau phải tìm cách đọc tên chùa bằng tiếng Myanmar thì dân người ta mới hiểu.
Tôi tin - mỗi điểm đến và cách thức trải nghiệm sẽ đem lại cho chúng ta những cảm nhận khác biệt. Tỷ dụ như, khi tôi đến TP Hồ Chí Minh, tôi thích đi bộ hàng giờ qua các con phố, ăn vặt đủ thứ, đến Nha Trang, tôi lại thích bắt tàu ra đảo hoặc phóng đến 1 nơi ít khách du lịch và nằm ườn ra lê la cả ngày với sóng biển, đến Tây Nguyên, tôi thích phóng xe máy lang thang để nắng và gió vây quanh mình với tầm mắt xa ngút ngàn. Đến Hội An - tôi thích dạo bộ thong thả và chọn 1 quán xinh xắn với mái hiên nho nhỏ, thưởng thức 1 ấm trà nóng và nghe tiếng mưa tí tách bên ngoài... nhiều lắm, kể ra thì chắc cũng hết ngày mất.
Vậy, nếu phải miêu tả cảm giác ở Bagan thì tôi sẽ nói gì? Tôi sẽ bảo nó là một cảm giác “tổng hợp”, là cộng hưởng của sự tò mò, muốn khám phá để rồi chỉ muốn lang thang mãi của Tây Nguyên + cảm giác yên bình, cũ kỹ và nhẹ nhàng của Hội An + cảm giác lười biếng, muốn ườn ra tận hưởng mãi chẳng muốn về của Nha Trang... Rất thú vị!
Chiều hôm đấy, chúng tôi càng đi thì càng bị thu hút bới những gì xuất hiện trong tầm mắt. Bầu trời ngập nắng gió, duy nhất trục đường chính tôi đi là trải nhựa, còn tất cả hai bên đều là đường đất, xe cộ rất ít, thậm chí dễ dàng bắt gặp các vị khách du lịch như chúng tôi - cưỡi xe máy điện và xe đạp còn nhiều hơn cả xe của người dân trong vùng, thi thoảng mỗi lần có một chiếc xe ô tô phóng vụt qua, hoặc một chiếc xe ngựa trờ tới là từng đám bụi mù lại bị khua lên tưng bừng, quả đúng nghĩa đen của cụm từ “du lịch bụi”. Nhưng, điều ấn tượng và khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ chính là sự xuất hiện liên tiếp của các đền chùa, dù đã tìm hiểu trước, nhưng mật độ dày đặc của các ngôi đền hiện ra trong tầm mắt vẫn phải khiến chúng tôi liên tục chỉ trỏ, ố á đầy ngạc nhiên.
Không đi được bao xa, lòng hiếu kỳ muốn thấy gần hơn nữa những tòa kiến trúc thú vị kia đã thôi thúc chúng tôi phải dừng lại. Chọn lấy một ngôi đền bắt mắt nhất, chúng tôi tạt xe vào và dừng chân ở quán nước nhỏ sát chân đền. Ở Bagan, bạn có thể vứt xe thoải mái ở bất kỳ đâu mà không lo bị mất. Cô chủ quán nước rất nhanh chóng ra tiếp chuyện và nhiệt tình hướng dẫn lối đi. Không quên nhắc chúng tôi bỏ giầy tất lại trước khi vào đền.
Trèo qua vài lớp cầu thang ngắn, chúng tôi đã lên được đến tầng trên, ngôi đền không quá cao, nhưng cũng đủ để phóng tầm mắt ra xa ngắm xung quanh thoải mái. Lúc này, mặt trời đứng bóng và rất nhiều các lùm cây thấp tán rộng bao phủ khắp nơi làm tôi thấy như mình đang được ngắm nhìn bình nguyên sa mạc ở châu Phi vậy (hồi trẻ con, tôi rất thích xem chương trình vòng quanh thế giới ở VTV2 ấy, say mê cảnh rừng châu phi với các em báo đốm chân dài, sư tử ngáp vẩy đuôi và linh dương, huơu nai chạy trốn khi bị săn đuổi), thế nên, cảnh đẹp này thực sự khiến tâm hồn tôi xao động vô cùng!
Sau khi ngắm nghía chán chê đi xuống, chúng tôi được cô chủ quán nhiệt tình mời mua đồ, nghĩ cũng buồn cười, vì khi đến thấy có người nhiệt tình dẫn đường, tôi đã nghĩ như kiểu mình đi Chùa Thầy ấy, đến phát là có ngay 1 cô tốt bụng nhiệt tình làm hướng dẫn viên miễn phí, đến mức bọn tôi phải khó khắn lắm mới “mũi né” được (có lần thậm chí là trốn). Bởi vì kiểu gì theo cô 1 hồi xong là phải mua hàng gì đấy, hoặc mất tý phí. Thôi thì Việt Nam và Myanmar đều là anh em trong khối ASEAN cả, có điểm giống nhau âu cũng dễ hiểu. Cô hướng dẫn của chúng tôi ở Bagan bán tranh cát, một loại tranh đặc trưng của đất này, khá đẹp, có những bức có thể sáng lấp lánh khi để dưới nắng rất độc đáo, chủ để của các bức tranh là đền đài, các vị sư và hình các vị phật. Cô chị cô em nhà tôi có vẻ rất thích thú, thêm nữa, cô chủ phải nói là rất duyên, bắn tiếng Anh chuẩn như bác Lê Duẩn, kèm theo thái độ xởi lởi cũng khiến chúng tôi hào hứng rất nhiều.
Người ta vẫn bảo, con người sẽ trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi. Và với lần đi Myanmar này, tôi đã phát triển một skill cực mạnh cho bản thân, đó là khả năng mặc cả bá đạo. Tôi xin nói dài một chút về chủ đề này. Thiết nghĩ nó đáng chia sẻ và cũng thú vị lắm lắm. Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu thông tin rằng: Hãy mặc cả giảm ít nhất 1 nửa ở Myanmar. Thế nhưng, tính mấy thằng đàn ông như anh em mình, mặc cả thì mặc cả, thường là xuống giá sâu quá hay ngại, kiều người ta nói 10 đô mà trả có 5 đô thì quá đáng vl, lại còn có vẻ keo kiệt bủn xỉn dăm ba cái đồng lẻ thế éo nào ấy. Đàn ông thì phải phóng khoáng chứ! Vậy nên tôi chỉ quan sát và lắng nghe xem thực tế thế nào đã, còn tướng ra trận trong cuộc chiến mặc cả thì cứ để chị em nhà kia cho nó chắc cú. Tàn cuộc, 2 bức tranh cát một to 1 nhỏ chốt giá 11 đôla 500 chạt + 2 cái bát tộ Đường Tăng giá 6 đô nữa. Chắc các bạn tò mò giá được đưa ra ban đầu là bao nhiêu. Xin thưa, giá niêm yết ban đầu cho 2 bức tranh được công bố là 24 đô và 2 cái bát là 15 đô. Vậy là chúng tôi đã giảm sâu giá được đến hơn 1 nửa, đứa nào đứa nấy khấp khởi lắm, nghĩ mình chặt thế là chuẩn rồi, không thì có mà hớ!
Thế mà hớ thật các cụ ạ, bời vì sao, vì sau khi hoan hỉ rời khỏi ngồi đến đầu tiên. Đi chẳng được bao xa, chúng tôi lại bị thu hút bởi một ngôi đền khác, vậy nên, chúng tôi lại dừng chân, và ở đây, chũng tôi gặp một anh trai có nét mặt hiền hòa dễ mến cũng đang bày tranh cát ra bán, tranh của anh đa dạng và có vẻ đẹp hơn tranh của chị ở đền trước. Tôi thì thôi cái vụ tranh ảnh này rồi, nên đi loanh quanh mà ngắm nghía chụp chọt.
Nhưng hai chị em Tấm cám kia thì vẫn thích lắm, một lúc sau, vợ tôi ra thỏ thẻ “Cái Hường nó mua bức giống bên kia, trả giá bằng chạt, tính ra giá chỉ 3 đô 1 bức anh ạ, và thêm nữa, ông này chính là chồng cái bà bán tranh ở đền trước, ông ấy nhìn tranh mình cầm là biết ngay vì có chữ ký đánh dấu”
Tôi nghe mà thấy như được giác ngộ lý tưởng cách mạng, lòng thầm hạ quyết tâm rằng từ bây giờ có đi mua bán gì, phải hạ giá thật ác, thật mạnh tay (khoe 1 tý, nhờ vững vàng tư tưởng mà ngày hôm sau, tôi đã mua 1 chiếc vòng đeo tay với giá chỉ bằng 1/5 giá phát ra nhưng kể thêm cho các bạn là, sau này về đến nhà, 2 quả bát tộ Đường Tăng kia lúc vợ chồng hí hửng lôi ra làm bát ăn cơm thì mới phát hiện cái mùi sơn trên gỗ dù đã ngâm rửa kỹ càng vẫn không thể hết được, cay vãi, Đường Tăng mà dùng bát này đi xin cơm thì chả mấy chốc thăng thành phật sớm, khỏi cần tu. Sau cùng, tôi đành chế nó thành bát cắm hoa để hàng ngày ngắm làm kỷ niệm nhớ thương.
Chuyện kinh nghiệm mặc cả đã dài dòng quá rồi, nói thì vậy thôi, chứ ngay lập tức, tôi bị cảnh đẹp của ngôi đền chiếm trọn tâm trí. Cái hay là ở chỗ, nhìn qua thì tưởng các ngôi đền giống nhau, nhưng càng ngắm càng thấy, chúng có sự khác biệt mà tôi cũng không biết miêu tả sao cho rõ. Như ở ngôi đền thứ 2, chúng tôi không thể lên cao ngắm cảnh, nhưng cái cảm giác thảnh thơi, thư thái khi hai vợ chồng ngả lưng trên chiếc chõng tre dưới tán cây, tay nắm tay nhìn nắng xuyên qua tán lá rồi chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng dưới ánh hoàng hôn. Nó cứ sướng lâng lâng khó tả lắm các mẹ ơi!
Nằm phê pha một hồi lâu, cô em tôi giục lên đường vì đã muộn, cần đến điểm ngắm hoàng hôn đã tính trước cho kịp lộ trình. Một lần nữa bản đồ được lôi ra, nhưng cũng chỉ giúp chúng tôi xác định khoảng đến và ước lượng tầm xa phải di chuyển. Hoàng hôn tại Bagan đến rất nhanh, có cảm tưởng như tôi đang chạy xe đuổi theo mặt trời vậy!
Đuổi một hồi thì chúng tôi quyết định không đi theo đường lộ chính nữa mà rẽ vào đường đất nhỏ để tự tìm một điểm ưng ý luôn vì sợ muộn, dù cũng chẳng biết phía trước có ngôi đền hay vị trí nào phù hợp không, thế nhưng vội thì vội vậy, khi đi càng sâu vào phía trong thì chúng tôi càng .. không thể khẩn trương được, bởi vì, có quá nhiều thứ thú vị, một quần thể san sát đền đài nối nhau lớp này đến lớp khác, cái xa cái gần, cái vươn cao ngạo nghễ, cái thì lẩn khuất đầy bí ẩn sau hàng cây. Có cảm giác như mỗi cái đưa mắt của tôi đều có thể tìm được một thứ gì đó thu hút, khiến chúng tôi phải dừng xe liên tục mà ngắm, đưa máy ảnh lên chụp không ngơi tay.
Đôi khi trong cuộc sống, những lối rẽ bất ngờ sẽ đem lại những điều bất ngờ lớn hơn. Hay như các cụ có nói, hay chẳng bằng hên. Lúc mặt trời đã tròn vo và đỏ rực ở phía chân trời Tây rồi, thì chúng tôi bỗng bắt gặp một ngôi đền, không quá lớn nhưng có khá nhiều xe đỗ phía ngoài, và những đôi giầy cho biết đang có khá nhiều người ở trong. Vội luồn qua hai lần cầu thang nhỏ hẹp và tối om, tôi phải soi đường bằng ánh đèn pin của em điện thoại, nhưng cũng suýt bị cộc đầu mấy lần. Chúng tôi còn phải trèo lên thêm 1 lần tường nữa mới đến được nơi mọi người đang ngồi. Có khoảng 4 cặp đôi người châu Âu, và vài người châu Á, toàn là phụ nữ đang ngồi sẵn ở đấy. Ai cũng đã chọn cho mình vị trí đẹp nhất có thể để đón chờ hoàng hôn buông xuống. Vợ chồng tôi vẫn thoải mái chọn được 1 chỗ ngồi ưng ý, vừa kịp lúc mặt trời ở đã ở sát sau dãy núi xa phía chân trời.
Có rất nhiều nơi để ngắm hoàng hôn đẹp, chẳng cần đâu xa, ngay chính tại thành phố của tôi, Hà Nội mến yêu. Mỗi buổi chiều lãng đãng, khi hứng lên, vợ chồng tôi lại xách xe ra hồ Tây thong thả ngắm nhìn ánh vàng cuối ngày trải dài trên sóng nước. Còn hoàng hôn đầu tiên ở Bagan có gì đặc biệt, thì tôi xin thưa rằng, nó không những đặc biệt mà khác biệt hoàn toàn với những hoàng hôn tôi đã từng được ngắm. Cảm giác ánh mắt đuổi theo từng vệt nắng đang rút dần qua đỉnh những tán cây thấp, màu nắng bàng bạc quyện với vài đám bụi thi thoảng bị gió khua lên như một lớp sương mỏng. Nắng rút qua từng ngôi đền phía xa, nét cổ kính như những vị tăng nhân đang trầm mặc một mình. Tôi tin, tầm mắt những người lữ khách phương xa đều muốn nuốt trọn hình ảnh khoảnh khắc ánh sáng rút lại phía sau ngôi đền, để lại sự tĩnh mịch của bóng tối đang dần đậm màu phía trước.
Tận hưởng nốt những dư vị còn sót lại của ánh hoàng hôn đầu tiên, trời sập tối rất nhanh. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến điểm đích của mình. Một du khách nữ, có lẽ người Đài Loan mà chúng tôi hỏi đường đã vui vẻ tặng lại tấm bản đồ của cô, người thiết kế tấm bản đồ này quả là có tâm hơn hẳn, hình vẽ mình họa cụ thể hơn và tên đường cũng rõ ràng hơn nhiều. Khiến chúng tôi cũng thêm phần tự tin tiến bước!
Đến đoạn này, bạn nào mà có đọc theo đến đây chắc cũng cảm thấy đủ dài và mỏi mắt rồi. Bản thân tôi cũng muốn đưa ra một câu kết đầy cảm xúc và nhẹ nhàng tình cảm. Nhưng chuyện vẫn còn, và chưa kết thúc đơn giản như vậy. Chúng tôi vượt qua đoạn đường đất để tìm ra đường lộ chính lúc trời vừa sập tối hẳn, lúc đó tôi chợt nhận ra lý do tại sao mặt trời ở đây lại có giá trị thần thánh đến thế, bởi rất nhanh chóng, bóng tối bao phủ và nuốt trọn mọi vật xung quanh, đèn đường tuyệt nhiên không có, chỉ có ảnh đèn xe máy điện leo lét chẳng đủ chiếu sáng cái gì, lập lòe như đom đóm đêm, thi thoảng mới có một vài ánh đèn xe ô tô phía xa phóng vụt qua với tốc độ “Fast and furious”.
Chúng tôi lập tức bị mất phương hướng để xác định vị trí ngôi chùa Ananda, đích đến dự kiến. Vẫn đi theo đường lộ, nhưng càng đi, tôi càng cảm giác mình đang chạy trên 1 quãng đường dài vô tận mà không biết điểm đến. Cảnh sắc ban ngày hoang dã bao nhiêu thì khi bóng đêm bao phủ, lại tạo ra một sự bí ẩn và khủng bố tinh thần cực mạnh bấy nhiêu với những toà đền đài u ám, bóng cỏ cây lấp loáng hoang vu. Hoang mang phết, đã thế , cũng chẳng thể hỏi được ai để chỉ đường. Lúc này đây, trí tưởng tượng về mọi kịch bản xấu được đà bung ra hết cỡ kiểu như: Đang đi thì xe hết điện??? Cướp nhảy ra với dao sáng loáng??? hay thú dữ bất chợt xồ ra ???? .....
Thôi, tôi đùa đấy,làm tý dọa dẫm cho vui thôi, bụng đói quá nên càng viết càng bị loạn rồi, để tôi kể tiếp vào phần 4 nhé!"
Phần tiếp theo: Bình minh! Chuyện ẩm thực và lớp học chợ búa đất Bagan!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]