Cơ quan chức năng ở Đài Loan vừa thẩm vấn ba người Việt (hai nam, một nữ) bị bắt trong số 152 khách biến mất cuối tuần trước. Theo đó, họ đều thừa nhận mục đích tới Đài Loan là làm việc kiếm tiền, và chi 20.000 đến 70.000 Đài tệ (15-52 triệu đồng) để mua tour du lịch này. Sau khi tới Đài Loan, họ lập tức rời khỏi khách sạn dưới sự giúp đỡ của bạn bè thân thiết tại địa phương, theo Apple Daily.
Nhân viên điều tra tiết lộ: "Một số người nhận thấy mọi việc không thuận lợi như dự tính, và không dễ để bắt đầu đi làm ngay. Do đó có người đã lập tức mua vé máy bay trở về Việt Nam ngay khi tới sân bay Đài Loan, có người tự động tới trình diện".
Ba người Việt bị bắt trên được đưa về nơi tạm giam ở Nam Đầu hoặc Cao Hùng, sau đó sẽ bị trục xuất vào thời điểm thích hợp.
Ngoài những người Việt bỏ trốn bị bắt, 4 du khách nữ đã đến sở cảnh sát khu Trung Lịch, thành phố Đào Viên để trình diện trưa 27/12. Họ khai rằng đã lấy danh nghĩa đi du lịch để đến Đài Loan làm việc. Sau khi nhập cảnh ở sân bay quốc tế Đào Viên lúc 6h ngày 23/12, họ tách đoàn đi xuống Cao Hùng. 18h cùng ngày, họ nhận phòng ở khách sạn và nghe được thông tin các khách sạn khác có cảnh sát đến kiểm tra. Trong khi đó, các thành viên trong đoàn cũng lần lượt rời khỏi khách sạn.
Đến khoảng 1h ngày 24/12, họ liên hệ với bạn bè ở Đài Loan đến đón lên phía bắc và nhận phòng khách sạn ở Trung Lịch vào khoảng 4h. Ở đây, họ xem tivi và sợ hãi khi thấy tình hình đoàn khách Việt biến mất liên tục được đưa tin, nên đã chủ động ra trình diện.
Phía cảnh sát tiết lộ 4 người này lần lượt mang họ Nguyễn (30 tuổi), họ Trần (32 tuổi), họ Vũ (25 tuổi) và họ Lư (25 tuổi).
Hiện cảnh sát Đài Loan bắt được 6 người; 6 người ra trình diện; 3 người tự ý ra sân bay về nước. Như vậy còn 137 người chưa rõ tung tích. Tất cả thuộc đoàn 153 khách Việt sang Đài Loan theo tour du lịch, nhập cảnh ngày 21 và 23/12. Sau đó, Cục Di dân Đài Loan thông báo truy tìm 152 người biến mất. Các cơ quan chức năng ở địa phương đang điều tra về việc có người đứng sau thao túng hoặc lừa đảo những người bỏ trốn này hay không.
Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch Việt Nam cho rằng đây là hình thức lợi dụng hoạt động du lịch và chính sách nới lỏng visa nhập cảnh cho khách du lịch của các quốc gia, vùng lãnh thổ để trốn ở lại lao động trái phép. Bộ không loại trừ khả năng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp.
Thanh tra của Bộ, Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Sở Du lịch TP HCM và Hà Nội tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp liên quan trong vụ việc này. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế bị tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế để phục vụ điều tra. Đại diện công ty này cho biết đơn vị đã cung cấp dịch vụ visa cho 153 khách thuộc các đoàn của công ty TNHH Twin Bright và công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel, đều có trụ sở ở Hà Nội.