Như chúng ta đều biết, hầu như bé nào cũng dễ bị tiêu chảy. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ và thường được xử lý và điều trị tại nhà. Vì vậy cần phải có sự hiểu biết nhất định về bệnh, để chúng ta có những phương pháp điều trị đúng cách, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Biểu hiện của trẻ bị tiêu chảy
- Khi bé bị tiêu chảy thường có những dấu hiệu sớm như ăn kém, bỏ ăn, đầy bụng, nôn, những biểu hiện này kéo dài 3 – 6 giờ trước khi tiêu chảy (bé bị tiêu chảy dạng phân lỏng, hoặc phân nước có máu). Thời điểm này, điều quan trọng nhất là mẹ cần để ý sát sao các triệu chứng để phát hiện các dấu hiệu mất nước và mất muối ở bé.
- Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày) là đã bị tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu xảy ra trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.
Chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài
- Cho trẻ bù nước điện giải: Ngay khi trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol (nhớ pha theo đúng chỉ định trên bao bì). Cho trẻ uống từ từ từng muỗng cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ không uống hết lượng dung dịch đã pha thì đổ đi pha đợt khác vì dung dịch đã pha sẽ bị hỏng.
- Bổ sung ngay men vi sinh cho trẻ: Men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn có lợi với các lợi ích như các vi khuẩn có lợi sẽ nhanh chóng thiết lập sự cân bằng của hệ vi sinh đường tiêu hóa, giúp tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa, đấu tranh để kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng... Điều này giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.
- Nếu trẻ bị tiêu chảy đến ngày thứ 3 sẽ gây ra tình trạng bất dung nạp đường Lactose thứ phát. Điều này thường làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy và là một trong những lý do gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài ở trẻ. Bổ sung sớm men vi sinh có khả năng tiêu hóa đường Lactose sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng này.
- Bổ sung kẽm để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, rút ngắn thời gian tiêu chảy.
- Ðể hạn chế tình trạng tiêu chảy cho trẻ, cần lưu ý đến giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn thực phẩm sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường, sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc và cho trẻ ăn; tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh; tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.
- Dinh dưỡng đủ 4 nhóm chất: đạm, đường, béo, xơ và vitamin, khoáng chất
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, phân bé có lẫn máu. Máu có thể màu đỏ tươi, hồng, hoặc nâu đen lẫn nhầy như mũi, bụng đau khi sờ ấn,ôn ói nhiều, không thể cho ăn uống được. Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít, bé lừ đừ, da nổi bông…Trẻ kèm theo sốt cao.
Những sai lầm cần tránh khi chăm trẻ bị tiêu chảy
- Hạn chế cho bé uống nước vì sợ uống vào lại tiêu chảy nhiều. Điều này sẽ làm bé bị thiếu nước nặng, dẫn đến rối loạn nước điện giải, có thể đe dọa đến tính mạng.
- Uống thuốc “cầm” tiêu chảy sẽ làm liệt ruột, các chất độc và vi trùng ứ đọng lại dẫn đến nhiễm độc, bụng chướng to, bỏ ăn, khó thở.
- Cho bé ăn cháo trắng với muối, không cho bú mẹ… Sẽ làm bé mau chóng kiệt sức, suy dinh dưỡng, khó hồi phục sau bệnh.
- Tự mua thuốc cho bé uống, vừa không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài ngày bệnh.
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ
Để các bé ít mắc bệnh tiêu chảy, hoặc làm cho bệnh tiêu chảy quay trở lại các bậc phụ huynh cần lưu ý đến các điểm sau:
- Ăn thực phẩm rửa sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường.
- Sử dụng nguồn nước sạch.
- Rửa kỹ tay trước khi chăm sóc bé và cho bé ăn, không cho bé ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi.
- Không cho bé tiếp xúc với người đang bệnh tiêu chảy.
- Tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]