Nhiều mẹ vẫn giữ niềm tin vững chắc với những quan niệm hay kinh nghiệm của các ông bà ngày xưa truyền lại. Không thể phủ nhận rằng các bà các mẹ xưa luôn là những người sở hữu rất nhiều kinh nghiệm chăm con tuyệt vời mà chúng ta cần phải học hỏi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học, đã có rất nhiều những quan niệm chăm con xưa, nay đã trở thành lỗi thời. Mẹ hiện đại nuôi con cần có phải biết đưa ra quyết định thông minh khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh.
Dưới đây là một số quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh mà các mẹ nên tránh.
1. Chạm vào thóp trẻ sơ sinh sẽ gây tổn thương cho não bé
Thóp giúp xương sọ được mềm dẻo trong quá trình sinh nở và phù hợp với sự phát triển của xương sọ khi bé lớn dần. Thóp được chia thành thóp trước và thóp sau. Khi bé được 3 tháng tuổi, thóp sau sẽ ‘biến mất’ do khớp nối xương sọ được liền kín lại, còn thóp trước phải đợi đến khi bé được hơn 1 tuổi. Do đó, nhiều mẹ vì nghe các kinh nghiệm truyền lại mà không dám động vào thóp trẻ sợ phần này mềm làm tổn thương não.
Sự thật: Trên thực tế, các bác sỹ cho rằng không cần phải quá lo lắng như vậy bởi não của bé tạm thời chưa được lấp kín bằng xương nhưng lại được bảo vệ bằng 3 lớp vỏ bọc: lớp mềm (mô liên kết, trải khắp các rãnh não), mạng nhện (tạo cơ sở cho vị trí của các mạch máu) và lớp cứng (bao vỏ não cứng và đàn hồi).
Ngoài ra, khoảng không gian giữa các lớp bọc đầy chất lỏng thực hiện vai trò giảm chấn động. Da cũng chính là lớp bảo vệ cuối cùng nên các mẹ hãy yên tâm khi có thể trải đầu nhẹ nhàng cho bé và cũng có thể gội đầu nếu đúng cách.
2. Cần phải tắm hàng ngày cho bé
Theo quan niệm của ngày xưa, trẻ sơ sinh cần được tắm gội mỗi ngày vì như thế bé mới ăn ngon, ngủ tốt được.
Sự thật: Các mẹ cần biết rằng, việc lạm dụng cho bé sơ sinh quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tổn hại cho làn da mỏng manh của bé. Mẹ nên nhớ rằng da bé lúc này rất mỏng manh và siêu nhạy cảm. Xà phòng hay sữa tắm chuyên dùng cho bé cũng vẫn chứa những chất khiến da bé bị khô và dị ứng và khiến các bé gãi dễ bị bệnh viêm đường tiết niệu.
Việc lạm dụng tắm cho bé sơ sinh quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tổn hại cho làn da mỏng manh của bé (Ảnh minh họa)
Theo lời khuyên của các bác sĩ, trong một tuần mẹ chỉ nên tắm cho bé khoảng 2 đến 3 lần là đủ. Còn những ngày bình thường, mẹ chỉ nên dùng nước ấm lau vùng cổ, bẹn, nách bé để vệ sinh cho bé.
3. Để trẻ sơ sinh ngủ qua đêm
Có thể các mẹ đã nghe điều này cả ngàn lần rồi và có khi đã từng làm theo khi mẹ chồng khuyên như vậy, nhưng đừng tin vào quan niệm sai làm khi chăm sóc trẻ sơ sinh này.
Sự thật: Theo các chuyên gia Nhi khoa, trong một vài tuần đầu, bé cần ăn liên tục gần như 2 -3 giờ một lần. Vì thế, có những khi như thế mẹ nên nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để cho bé bú. Việc đánh thức bé đang ngủ không những chẳng sao cả, mà còn là điều quan trọng mà các mẹ cần làm để bé có được cân nặng mạnh khỏe và phát triển một cách toàn diện nhất. Nhưng các mẹ nên lưu ý rằng, một khi bé đã đạt đủ cân nặng cần thiết, phù hợp với sự phát triển của mình, mẹ có thể để bé ngủ vào buổi tối bao nhiêu tùy bé mà không cần đánh thức bé dậy để cho bé bú. Lúc đó, các mẹ chỉ cần bảo đảm cho bé bú thường xuyên và đầy đủ vào ban ngày.
4. Có thể cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc
Lâu nay, các bà các mẹ vẫn hay thường có thói quen cho trẻ sơ sinh uống nước lọc tráng miệng và sạch lưỡi. Vì quan niệm nước lọc lành, lại giúp bé đỡ táo bón nên một số chị em cho con uống “vô tội vạ” mà không hề biết rằng, trẻ sơ sinh uống nước lọc sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.
Sự thật: Theo các chuyên gia, tốt nhất là không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước. Ở giai đoạn này, sữa mẹ và sữa bột là nguồn dưỡng chất cần thiết nhất cho trẻ. Mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu ăn bổ sung và tiếp tục cho bú mẹ đến ít nhất 24 tháng tuổi.
Sau 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho con uống thêm nước trắng, nhưng chỉ với số lượng khoảng 59 – 118ml mỗi ngày. Sau 12 tháng, có thể cho bé uống hỗn hợp đồ uống ít đường trong chế độ ăn của trẻ cùng với nước bao gồm trái cây tươi và hoa quả.
Nếu các mẹ không lưu ý mà vẫn cho trẻ uống quá nhiều nước lọc trong giai đoạn này có thể khiến trẻ còi xương, chậm lớn; nhiễm độc nước, gây co giật, thậm chí hôn mê…Các mẹ có thể tham khảo thêm vấn đề này tại đây.
5. Khi trẻ khóc thì không nên bế vì như thế sẽ khiến con quen hơi mẹ
Sự thật: Khi mẹ cứ mặc kệ con, để con gào thét mà không bận tâm, sẽ đến lúc bé không khóc nữa, tự nhiên im bặt và cứ thế nằm chơi một mình. Tuy nhiên các mẹ cần biết rằng có rất nhiều lý do để khiến trẻ khóc, nếu mẹ không bế và không an ủi, vỗ về bé có thể khiến con cảm thấy tủi thân. Trẻ sẽ nghi ngờ về tình cảm mà mẹ dành cho mình, và cảm thấy cô độc
Không những vậy, theo các chuyên gia, nếu để trẻ khóc quá lâu có thể ảnh hưởng đến trí não của con. Những trẻ khóc dai dẳng và kéo dài có thể gây tăng huyết áp trong não, tăng áp lực và cản trở máu lưu thông, có nguy hiểm lớn đến não của trẻ. Vì thế các mẹ không nên làm ngơ trước mỗi lần bé khóc.
Theo Eva.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]