Tôi học phương pháp Cry it out của mẹ Tây, nhưng theo cách của riêng mình.
Ảnh minh họa: Ngôi Sao Nhí.
Cry- it - out của mẹ Tây
Nói đến Cry-it-out, không ít người thông suốt cách làm của nó, thậm chí đây là phương pháp được tôn sùng tại Pháp và nhiều nước phương Tây.
Ở Pháp, những bà mẹ được mệnh danh là “người mẹ tuyệt vời nhất" vì con họ đứa nào cũng ngoan và tự lập ngay từ bé. Chỉ cần một cái nhìn nghiêm nghị của mẹ hoặc một từ" Non" gọn lỏn là đứa trẻ sẽ răm rắp nghe theo. Cốt lõi của việc giáo dục đó là gì? Chính là Cry-it-out.
Người Pháp sẽ để mặc đứa trẻ tự ngủ trong cũi của nó, không lắc ru, không cho ti, không bế ẵm, đến giờ đặt vào cũi, tắt đèn và đi ra khỏi phòng. Đứa trẻ có thể sẽ khóc lóc và gào to trong vòng 30 phút đến 2h rồi thiếp ngủ. Mọi người trong nhà đều sẽ để yên cho trẻ khóc và học cách tự ru mình ngủ. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả, đứa trẻ sẽ chỉ khóc 2-3 ngày và từ đó nó sẽ không bao giờ khóc khi đi ngủ nữa, kể cả khi nó thức giấc nửa đêm.
Cry-it-out không chỉ dùng để luyện ngủ. bố mẹ phương Tây còn sử dụng Cry-it-out kết hợp Time-out khi đứa trẻ tỏ ra ngang bướng không vâng lời. Khi đó nó sẽ được đưa vào một căn phòng ít đồ đạc hoặc vào cũi và ở đó một mình cho đến khi nào bình tâm trở lại, hết khóc thì mới được ra.
Nhiều trẻ phương Tây có kỷ luật và tự lập theo cách đó. Vì thật ra, phương pháp đó rất khoa học. Đứa trẻ đôi khi cần được khóc một mình mà không cần ai dỗ, để rồi tự nó sẽ xả được stress, sẽ học được nhiều điều khi ở một mình, hơn hết nó sẽ biết mình phải chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình.
Tôi muốn ở bên con khi con khóc. Ảnh minh họa: Bé Chi Mai (Ngôi Sao Nhí) và mẹ.
Con cứ khóc đi, mẹ ở bên con!
Thế nhưng, khi áp dụng cho con mình, tôi đau khổ khi nghĩ đến 3 từ "khóc một mình". Tôi không muốn để con tôi một mình với khuôn mặt ngập tràn nước mắt. Thế nên, tôi sẽ dùng một "Cry-it-out" của riêng tôi.
Cũng giống như mọi đứa trẻ bình thường khác, con tôi cũng biết dùng tiếng khóc để giao tiếp khi nó chưa biết nói. Dù lý do là gì, khi con tôi khóc, tôi luôn bình tĩnh và ở bên con.
Không giống mẹ Tây, tôi không đặt con vào một nơi nào đó mà nó không tự ra được rồi lặng lẽ đi ra ngoài, để mặc cho con khóc và tự nín. Tôi cũng không làm như mẹ Việt, không dỗ dành hay dùng đồ chơi, đồ ăn để làm con nín khóc.
Tôi bình tĩnh xem xét mọi khả năng làm con khóc mà mình có thể nhìn thấy bằng mắt thường và xử lý cho con. Tuy nhiên, nếu sau mọi việc tôi đã làm, con vẫn khóc, tôi sẽ mỉm cười với con và bảo:" Bình tĩnh lại con yêu, mẹ đây, mẹ luôn bên con" rồi ôm con.
Nếu con nằm yên trong vòng tay tôi, tôi sẽ để yên như vậy, không nói gì thêm cho đến khi con thôi khóc. Nếu con không muốn mẹ ôm, tôi sẽ để con nằm hoặc ngồi để khóc, còn tôi sẽ ngồi bên cạnh nhìn con, bình thản như ngắm một thiên thần... cho đến khi con thôi khóc. Tôi chưa bao giờ nuông chiều theo tiếng khóc của con, và cũng chưa bào giờ để con khóc một mình.
Đó cũng là cách mà tôi cùng chia sẻ nỗi buồn với con. Cho đến ngày con lớn hơn, biết đi và biết nói. Mọi chuyện lại dễ dàng hơn mọi chút. Lúc này, khi con khóc, nó đã có thể nói cho tôi biết lý do vì sao nó khóc.
Đôi khi, tôi cho phép con được chọn một hình thức nào đó để làm dịu nỗi buồn hay cơn tức theo cách riêng của con bằng câu hỏi: “Con muốn mẹ làm gì giúp con vui hơn không?"
Con tôi sẽ chọn" mẹ hát con nghe" hoặc "mẹ bế con". Sau khi tôi thực hiện điều con mong muốn, con vui vẻ trở lại. Cứ như thế, bất kỳ lúc nào con cảm thấy bất an, cảm thấy sress, con đều tìm đến để nói lý do cho mẹ, vì con biết rất rõ rằng mẹ có thể giúp con cảm thấy khá hơn.
Cứ bình tĩnh mà khóc, con yêu. Ảnh minh họa: Internet.
Luyện con tự ngủ
Đến giờ ngủ, tôi vẫn ở bên con cho đến khi con có thể ngủ được. Quá trình này đối với các bà mẹ phương Tây hoặc các bà mẹ bận rộn là cả một cực hình. Vì chỉ có đóng cửa tắt đèn và đi ra ngoài, để trẻ khóc xong tự ngủ thì mẹ mới nhàn. Nhưng tôi lại chọn con đường gai góc khó khăn.
Tôi tắt đèn và ngồi cạnh con:
Mẹ: Đến giờ ngủ rồi, chúc con ngủ ngon!
Con: Không không, con dậy.
Mẹ: Đến giờ ngủ rồi con ạ! Nằm xuống ngủ thôi.
Con: Không... (rồi òa khóc)
Mẹ: (cười bình thản) Sao con khóc vậy?
Con: Mẹ... mẹ hát
Mẹ bắt đầu hát những bài hát mà con thích
Con: Mẹ đọc thơ
Mẹ bắt đầu đọc rất nhiều bài thơ cho con nghe
Con: Mẹ ru con, mẹ ôm con
Mẹ lại nằm ôm con rồi ru con...
Một tiếng sau, con ngủ, mẹ hôn con rồi đứng dậy ra ngoài. Nửa đêm con dậy đòi sữa, nhưng đã đến giai đoạn cắt ăn đêm, nên mẹ không lấy sữa cho con mà bảo con hãy ngủ tiếp đến sáng. Con khóc, khóc rất to.
Mẹ bật đèn và nhìn con mỉm cười. mẹ bảo"Mẹ biết con thèm sữa, nhưng đã đến lúc con nên ngủ suốt đêm, điều này tốt cho não của con, con yêu. Hãy nằm xuống ngủ đi con!" Con ngưng một lúc rồi lại khóc.
Mẹ vẫn bình thản ngồi cạnh con, mẹ bảo "Mẹ luôn bên con, bao giờ con khóc xong thì con nằm xuống nhé!" Và con khóc thêm 2 phút nữa thì tự nằm xuống, mẹ tắt đèn ... Hai hôm sau con không còn thức dậy và khóc nữa.
Đó là cách mà tôi cai sữa đêm cho con và luyện cho con tự ngủ.
Điều tôi mong muốn nhất là đem đến cho con tình yêu thương trí tuệ, yêu con nhưng phải trau dồi làm cha làm mẹ đúng khoa học.
Tôi áp dụng nhiều phương pháp dạy con kiểu Nhật, kiểu Tây vào việc nuôi dạy con mình, chẳng hạn như dạy con tự ăn, tự ngủ, tự rửa mặt, tự dọn đồ chơi, tự nói lên cảm xúc của mình, biết lễ phép vì yêu thương tôn trọng chứ không phải vì sợ người lớn…
Điều quan trọng khi áp dụng các phương pháp đó lên con là tôn trọng con và tìm ra cách kết nối với con. Bố mẹ không áp đặt suy nghĩ của bố mẹ lên con, luôn ngừng lại và lắng nghe để xem con muốn gì, thích gì. Không có sách vở nào tuyệt vời bằng trái tim người mẹ!
Theo - Yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]