Hô biến giả thành thật
Hiện nay, mỹ phẩm “nhái” được tuồn vào từ khắp các khu chợ sinh viên, quán xá vỉa hè, trên mạng xã hội hay thậm chí ngang nhiên có mặt ở các cửa hàng mỹ phẩm sang trọng. Điều kinh khủng hơn, chúng được sản xuất bằng những nguyên liệu trôi nổi không rõ xuất xứ, không được kiểm định về độ an toàn và được đóng gói, dán “tem chống giả” rồi “ồ ạt” đổ vào thị trường làm đẹp.
Mới đây, Công an Q.9 (TPHCM) vừa phát hiện một cơ sở sản xuất mỹ phẩm, kem dưỡng da giả và thu giữ một số lượng lớn sản phẩm, nguyên liệu, bao bì không rõ nguồn gốc. Cụ thể, Công an Q.9 đã thu giữ 827 hũ, 40kg kem dưỡng da dành cho phụ nữ; 498 cây son và 33,5kg nguyên liệu son; chất lỏng, bột, dung dịch hóa chất là 443 hũ và 449kg; xà bông 270 cục; thuốc viên 130 hũ; bao bì, nhãn mác 446kg và cùng nhiều máy móc dùng để pha trộn, đóng gói mỹ phẩm. Tất cả số nguyên liệu trên đều không chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại mỹ phẩm được đóng hộp đủ màu sắc, dán nhãn mác ghi những dòng chữ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tại cơ sở này, công an thu giữ tem chống hàng giả, thuốc giảm cân (đóng chai) được làm giả vô cùng tinh vi.
Hóa chất dùng sản xuất mỹ phẩm giả được chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả khai nhận mua tại chợ Kim Biên (Q.5) với giá từ 200 - 300 nghìn đồng/kg, sau đó dùng máy pha trộn, đóng hộp, dán nhãn mác để “hô biến” thành các loại mỹ phẩm có thương hiệu rồi đem đi tiêu thụ.
“Tôi từng vào một cửa hàng mỹ phẩm đề biển quảng cáo là bán mỹ phẩm chính hãng trên đường Chùa Láng (Cầu Giấy, Hà Nội) để mua dầu gội đầu Pantene do Việt Nam sản xuất. Khi mở nắp sử dụng, tôi phát hiện dầu không có mùi thơm đặc trưng, đổ ra sử dụng thì thấy chất dầu loãng và không có bọt. Tôi không ngờ mua tại cửa hàng lớn cũng gặp tình trạng chộp giật, gian dối như thế này”, chị Nguyễn Thị Giang (Chùa Láng) bức xúc chia sẻ.
Tiền mất và tật mang
Chỉ vì ham rẻ chị Kim Ngân (tập thể Kim Liên, Hà Nội) đã mang họa vào thân khi mua thỏi son thương hiệu Louboutin đang “làm mưa làm gió” thời gian qua. Loại son này được giới thiệu tuy là hàng “fake” nhưng chất lượng “sánh” ngang hàng “xịn” chỉ với giá 150.000 đồng, trong khi hàng thật là hơn 2 triệu đồng. Mua về sử dụng được một thời gian, chị Ngân tá hỏa khi thấy môi mình phù nề và lên đầy mụn nước li ti, đi khám thì bác sĩ chẩn đoán là do dùng son kém chất lượng, nhiều chì và thành phần độc hại khác gây dị ứng nổi mụn nhọt.
Hay như loại kem trị mụn “thần thánh” Bảo Lâm cách đây vài năm được khá nhiều chị em ưa chuộng vì trị được mụn, da còn trắng sáng, hồng hào lên trông thấy. Nhưng ít người biết rằng đây chính là kem trộn có chứa chất corticoid độc hại bào mòn da, khiến da bị mỏng, các mao mạch bị dãn nở, da rất dễ bắt nắng, ngứa ngáy và ửng đỏ. Bên cạnh đó, mụn, nám da xuất hiện và ngày càng lan rộng. Ngừng sử dụng da sẽ đen trở lại, khô sần, nhăn nheo và có thể xuất hiện các dấu hiệu kích ứng.
Chị Thu Hiền (sống tại thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết: Tôi đã từng sử dụng kem trị mụn Bảo Lâm 5 năm và sau đó tôi đã bị hư hại da mặt nặng nề vì bị “nhờn” thuốc. Da nổi mụn khủng khiếp và phải chạy chữa với số tiền lên đến trăm triệu đồng nhưng bây giờ da mặt tôi vẫn không thể khôi phục như bình thường, vẫn còn bị sẹo rỗ và nổi mụn thường xuyên.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]