Du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Từ đầu năm, khi xảy ra dịch bệnh, lao động trong ngành du lịch đã phải tạm thời nghỉ hoặc thôi việc.
Thất nghiệp, hướng dẫn viên du lịch làm shipper, thợ xây… để mưu sinh. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, từ tháng 3 nay anh phải nghỉ việc vì dịch Covid-19. Mặc dù công ty có hỗ trợ lương cho các nhân viên chính thức, tuy nhiên, số tiền không đủ để trang trải cuộc sống bởi anh là trụ cốt chính trong gia đình, hai con đang tuổi ăn, tuổi học.Anh N.T. (Hà Nội) đang làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch khá nổi tiếng ở Hà Nội. Trước đây anh chuyên dẫn khách đi tour châu Âu.
Cũng theo anh T., cũng may anh là nhân viên chính thức nên được công ty hỗ trợ còn hầu như các anh em hướng dẫn viên khác thì không được hỗ trợ gì. Công ty hiện tại quá khó khăn nên có một số người đã xin nghỉ không lương để chia sẻ cùng công ty trong giai đoạn này.
“Nhiều anh em đã phải chuyển nghề để kiếm đồng ra đồng vào, như tôi cũng vậy”, anh T. nói.
Chính vì thế, anh T. có thêm nghề mới là bán hàng online. Thay vì giới thiệu những chuyến đi đồng hành cùng các du khách như trước, giờ đây hằng ngày tài khoản facebook của anh lại rao bán đủ thứ, từ xì gà, nước hoa, mỹ phẩm, túi, chăn lông, hoa khô… điều mà trước đây anh chưa từng làm.
Tuy nhiên, bán hàng online cũng chỉ túc tắc nên anh T. mong dịch sớm đẩy lùi để được tiếp tục làm công việc hướng dẫn viên mà mình yêu thích.
Là một hướng dẫn viên tự do, chuyên dẫn khách Pháp, anh Lê Văn (36 tuổi) cho biết, thu nhập của anh dựa vào tiền tip, tiền thù lao sau mỗi tour. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách quốc tế không có nên cả năm nay anh không có hợp đồng dẫn tour du lịch nào, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu nhập.
Mọi chi phí trang trải cuộc sống dựa vào số tiền tiết kiệm từ trước. Cũng chính vì thế, anh quyết định trả phòng trọ, bán mảnh đất ở Hà Nội để về quê ở hẳn
“Cả năm nay không có tour nào, tình hình này chắc sẽ còn kéo dài đến sang năm”, anh Văn nói.
Anh về quê xây nhà, với số vốn tích cóp làm nghề hướng dẫn viên mười mấy năm nay, anh tìm hiểu đất cát ở quê để môi giới, đầu tư. Tuy nhiên, công việc mới chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu chứ chưa có thu nhập từ nghề này.
“Tôi rất yêu và nhớ nghề hướng dẫn viên, chỉ mong nhanh hết dịch bệnh để được đi dẫn tour”, anh Văn tâm sự.
Một hướng dẫn viên khác là anh Nguyễn Cường (Hà Nội) chia sẻ, trước đây, anh chuyên dẫn khách nước ngoài đi du lịch nội địa, thu nhập khá ổn định. Nay dịch bệnh, không có khách quốc tế, anh chuyển sang dẫn tour cho khách nội địa, mỗi tour khoảng 3 ngày được trả thù lao 2-3 triệu đồng.
Tuy thu nhập không cao nhưng lúc thị trường du lịch khó khăn như thế này, đối với người làm hướng dẫn viên, có tour là một may mắn.
“Tôi may mắn vì vẫn có tour dẫn khách. Còn bạn bè, đồng nghiệp của tôi không ít người đã chuyển sang nghề shipper, grab, bảo vệ, bán bảo hiểm.... Có anh bạn thì về quê làm thợ xây”, anh Cường nói.
Tuy nhiên theo anh Cường, đã hết mùa du lịch nội địa nên sang tháng tới, chắc chắn không có tour. Hiện tại anh Cường cũng đang đi tìm việc làm.
“Theo tôi tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài đến hết năm sau nên tôi đang đi tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. Một số người rủ đi làm grab, shipper nhưng tôi thấy công việc đó không phù hợp với mình. Tôi đang xin làm lái xe”, anh Cường chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỷ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng; 897.500 người thất nghiệp... Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]