Từ lâu, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhân dân ta thường có phong tục dựng cây Nêu đón Tết, và cây Nêu được coi là biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết Nguyên Đán.
Sự tích cây Nêu
Xưa kia khi người và quỷ còn sống chung với nhau trên mặt đất, quỷ cậy mạnh chiếm hết ruộng đất, người phải thuê ruộng đất của quỷ để cày cấy. Cứ mỗi năm quỷ lại nâng cao tô ruộng. Rồi một hôm quỷ ra điều khoản "ăn ngọn cho gốc", mùa lúa năm đó, quỷ thu hết thóc góc, để cho người nông dân chơ mỗi gốc dạ. Nhân dân đói khổ vô cùng. Thấy cảnh người dân lầm than, Phật mách cho dân chuyển sang trồng khoai lang.
Vụ mùa tiếp theo, người dân chuyển sang trồng khoai lang, đến cuối vụ, người dân thu hoạch hết củ, để lại cho quỷ toàn lá. Quỷ bực tức, thay đổi điều khoản thành "ăn gốc cho ngọn". Phật lại mách người dân quay lại trồng lúa. Cuối vụ lúa thóc nườm nượp đổ về nhà dân, Quỷ chỉ còn chơ gốc dạ.
Bực tức vì 2 mùa liền không thu được gì, quỷ lại đổi điều khoản thành "ăn cả gốc lẫn ngọn", quỷ nghĩ rằng lần này người dân sẽ chẳng có cách gì chống lại, bao nhiêu nông sản sẽ về hết tay chúng. Phật thấy vậy liền ban cho người dân cây ngô, đến khi thu hoạch, trong nhà người dân ngô chất đầy bồ. Còn quỷ chẳng thu được gì.
Uất ức vì không thu được nông sản, quỷ không cho người dân thuê ruộng. Phật bảo người dân đến mua lại của quỷ một khoanh đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy bán được khoanh đất nhỏ với giá hời, quỷ cũng đồng ý. Khi người nông dân trồng cây tre xuống, cây tre vụt mọc cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng như như biển, bóng áo cà sa che khắp mặt đất, che hết đất của quỷ.
Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển Đông. Uất hận, chúng tụ tập quân đội đánh chiếm lại ruộng đất. Biết được quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo lại cho người dân, người dân sử dụng những thứ đo 3 lần đánh bại lũ quỷ. Quỷ bị đuổi ra tận biển Đông khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán cho quỷ về thăm phần mộ tổ tiên.
Từ đó trở đi, mỗi địp Tết đến, người dân lại dựng cây Nêu trước nhà, bên trên cây Nêu buốc 1 bó lá dứa, treo 1 chiếc niêu đất bỏ chút vôi bột bên trong, sau đó lấy vôi vẽ hình cánh cung hướng về phía đông để xua đuổi ma quỷ.
Ảnh minh họa
Ý nghĩa văn hóa của cây Nêu ngày Tết
Trồng cây Nêu ngày Tết là một hoạt động phổ biến của nhiều dân tộc tại Việt Nam như Kinh, Thái, Mường, Ba Na,... cây Nêu thường được làm bằng một cây tre, phía trên treo một bó lá dứa, lá đa hoặc lá thiên tuế cùng với một chiếc niêu đất hoặc khánh đất. Trên ngọn cây còn có một tán tròn băng tre, nứa dán giấy đỏ.
Câu Nêu được làm từ cây tre, loài cây được coi là tượng trưng cho con người Việt Nam, luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua sương gió để vươn lên, luôn đoàn kết đùm bọc lẫn nhau để vượt qua giông tố, luôn cần cù chịu thương chịu khó, và có sức sống mãnh liệt.
Chiếc niêu đất để thể hiện mong ước cuộc sống nó đủ, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Bó lá dứa, lá đa được buộc vào với ý nghĩa cầu xin sự bình an, may mắn, xua đuổi ma quỷ và tránh những điều không may.
Đặc biệt, cây Nêu còn được xem là cây vũ trụ - nối liền giữa Trời và Đất. Tán tròn sắc đỏ phía trên tượng trưng cho mặt trời, và là nơi chim thần đậu. Cuối năm trồng cây nêu để đầu năm cây vươn mình đón gió và những ánh nắng đầu tiên của mùa xuân.
Tại miền Bắc nước ta trước đây, cây Nêu thường đượng dựng vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, ngày Táo Quân về trời, vì từ ngày này đến hết năm được coi là vắng mặt Táo Quân ma quỷ sẽ thừa cơ làm bậy. Lễ dựng cây Nêu được gọi là "lễ lêu Nêu". Ngày 7 tháng 1 âm lịch sẽ làm "lễ hạ Nêu" để dỡ cây Nêu xuống.
Ngày xưa cây Nêu cũng là biểu tượng của uy quyền, nhà nào quyền thế nhất sẽ có cây Nêu cao nhất. Và mọi hoạt động vui chơi ngày Tết đều diễn ra quanh cây Nêu.
Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".
Một nét đẹp văn hóa đang dần mai một
Tuy là một phong tục lâu đời và là một nét đẹp trong văn hóa Việt, nhưng ngày nay, phong tục này đang dần mất đi trong cộng đồng người Việt hiện đại. Cây Nêu chỉ còn bắt gặp lác đác ở một số miền quê vùng Bắc Bộ hoặc Tây Nguyên.
Nhiều người trẻ giờ đây chỉ còn biết tới cây Nêu qua những câu ca dao, tục ngữ như:
Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh
Hay câu:
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè…
Cũng có câu ca dao:
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
Quỷ vào thì Quỷ lại ra.
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm
Tại sao một mỹ tục đậm đà bản sắc dân tộc như vậy giờ đây lại không còn thấy nữa? Đó là do cuộc sống hiện đại hối hả đang cuốn con người ta trôi nhanh, con người giờ đây sống gấp gáp, vội vàng, họ không còn thời gian để chăm lo, gìn giữ những truyền thống xưa. Bên cạnh đó, những nét văn hóa ngoại lại du nhập vào nước ta cũng khiến dân ta dần quên đi những nét văn hóa truyền thống.
Xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc không thể không coi trọng những phong tục truyền thống quý báu. Đó là nét riêng của con người Việt Nam! Là cội dễ của dân tộc Việt Nam vậy!
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]