Tôn trọng văn hóa làm việc
Bất kì dân tộc, vùng miền nào cũng sẽ có văn hóa đặc trưng riêng. Họ sinh ra trong môi trường khác chúng ta, phong tục tập quán và cả văn hóa làm việc sẽ không giống nhau, thế nên khi làm việc chung với họ hãy tìm hiểu trước thông tin, cố gắng quan sát những chi tiết nhỏ, những thói quen hằng ngày để tránh trở nên vô tình “bất lịch sự”. Ví dụ như người phương Tây họ đề cao sự sáng tạo, thể hiện được bản thân, hoặc người Nhật Bản, Hàn Quốc họ xem trọng tác phong làm việc, đúng giờ giấc. Tôn trọng văn hóa làm việc của người khác cũng là tôn trọng văn hóa của chính bạn.
Đừng để ngoại ngữ đánh cắp cơ hội của bạn
Bạn là một người rất giỏi chuyên môn, độc lập, giải quyết dễ dàng những nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Dù vậy, cũng sẽ có lúc bạn sẽ cần đến sự phối hợp của đồng nghiệp, sự giúp sức của sếp. Thế nhưng ngoại ngữ của bạn không tốt, bạn không thể bày tỏ quan điểm cho người đối diện hiểu trọn vẹn, bạn bất lực trong việc diễn đạt ý tưởng… như vậy là cơ hội của bạn đang dần trôi qua. Rào cản ngôn ngữ luôn là một trong những “cơn ác mộng” với nhiều bạn trẻ, thời đại hội nhập nên bạn cần biết cách thích nghi, nếu không trau dồi ngay từ bây giờ thì trước sau gì bạn cũng bị xã hội đào thải.
Luôn làm việc với sự nhiệt huyết cao nhất
Hãy đặt mình vào vị trí của một người làm việc chăm chỉ, cần cù và tưởng tượng xem bạn sẽ phải “đối mặt” với một vị đồng nghiệp lười nhác, đi muộn về sớm, thường đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Chắc hẳn là rất khó chịu đúng không? Vậy nên khi làm việc với sếp hay đồng nghiệp ngoại quốc thì bạn cần biết cách ghi điểm hơn, thể hiện bản thân là một người luôn hết mình vì công việc chung, tích cực với những dự án được phân công làm cùng nhau, thể hiện kỹ năng làm việc nhóm bằng cách hỗ trợ hết mình khi đồng nghiệp gặp khó khăn. Sự nhiệt huyết và đam mê như vậy sẽ chứng minh bạn xứng đáng được đánh giá cao, đặc biệt là sếp người nước ngoài.
Tránh nói câu “Tôi không thể”
Nhiều bạn trẻ thường hay mắc phải một sai lầm vô cùng tai hại đó chính là việc luôn suy nghĩ rằng “Ta không bằng Tây”, “Họ là người nước ngoài, ở đất nước tiên tiến hơn nên chắc sẽ có nhiều ý tưởng hay ho hơn”, “Có lẽ mình không nên đưa ra quan điểm”… Sự thật phũ phàng rằng bạn đang tự kéo bản thân mình xuống bởi người Việt hay mang tâm lí “sính ngoại”, từ đó trở nên nhút nhát, tự ti trong công việc lẫn giao tiếp. Bạn cần đặt câu hỏi, vì sao bạn được chọn vào vị trí này, đó chính là vì bạn có năng lực, bạn đã thể hiện và thuyết phục được nhà tuyển dụng gật đầu thì tất nhiên bạn cần tự tin. Các chuyên gia tuyển dụng tại CareerLink.vn khuyên rằng bạn đừng ngại chứng minh, đừng e dè trong việc bày tỏ ý tưởng, vì đây chính là điểm cộng lớn của bạn.
Cẩn trọng trong giao tiếp
Để làm việc hiệu quả cần sự thoải mái và tôn trọng từ các bên, thế nên khi làm việc với người nước ngoài, bạn nên biết rằng họ đến từ đất nước nào, có văn hóa giao tiếp ra sao. Ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản thường chào nhau bằng cách cúi gập người thay vì bắt tay, nhận danh thiếp bằng tay phải đối với người Ả Rập… Điều này không chỉ giúp hai bên tin tưởng, đồng hành cùng nhau mà còn thúc đẩy công việc tiến triển thuận lợi.
Trên đây là một vài điều cần lưu ý khi làm việc với người nước ngoài, hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, làm việc thật hiệu quả và thành công.
Tiến Huy
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]