Metro hoạt động 12 năm tại Việt Nam thì có đến 11 năm thua lỗ
Từ Metro…
Metro đầu tư tại Việt Nam từ 2002, đến nay, sau 12 năm đặt chân đến Việt Nam, Metro đã đầu tư tại Việt nam 19 hệ thống siêu thị tại 15 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong đó, tập trung nhiều nhất là hai đầu cầu kinh tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi 3 chuỗi siêu thị, còn lại nằm rải rác tại 13 tỉnh thành trên cả nước.
Như vậy, tính trung bình mỗi năm, Metro khai trương thêm từ 1-2 siêu thị tại Việt Nam. Điều đáng nói, các siêu thị của Metro hầu hết đều nằm tại các vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán và thu hút một lượng lớn khách hàng từ bán buôn, cho đến bán lẻ.
Với vị trí địa lý thuận lợi, chiến lược kinh doanh tốt, doanh thu của Metro tăng không ngừng. Nếu như năm 2002, doanh thu của Metro đạt 21 triệu Euro thì 5 năm sau đó là năm 2007 tăng lên 14,2 lần, đạt 299 triệu Euro và đến năm 2012 là 516 triệu Euro, tăng gần gấp đôi sau 5 năm.
Doanh thu tăng liên tục như vậy, nhưng 12 năm đầu tư tại Việt Nam thì Metro có 11 năm lỗ, chỉ có duy nhất năm 2010 là lãi hơn 116 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều lạ là dù thua lỗ triền miên nhưng Metro vẫn không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh, và theo lý giải của họ thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ triền miên.
Việc Metro Việt Nam có chuyển giá hay không đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, tuy nhiên liệu có hay không một doanh nghiệp (DN) mạnh như Metro cả về vốn, về kinh nghiệm quản lý, về chiến lược kinh doanh,… mà lại chịu thua lỗ 11/12 năm tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, thua lỗ liên tục như vậy nhưng từ vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD, mới đây Metro đã “bán mình” cho Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan với số tiền lên tới 900 triệu USD.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có một tập đoàn nào dám “mạo hiểm” bỏ ra gần tỷ USD để mua lại một DN liên tục thua lỗ với số lỗ lũy kế lên tới gần 600 tỷ đồng hay không? Dư luận có quyền hoài nghi, thậm chí lên án về sự thiếu minh bạch của Metro.
… ngẫm về FDI
Từ câu chuyện của Metro chúng ta có quyền đặt câu hỏi về các doanh DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, so với các DN trong nước, DN FDI được hưởng “ưu đãi” lớn hơn nhiều cả về thuế, về cơ hội tiếp cận đất đai. Đơn cử như Metro, khi đầu tư tại Việt Nam họ được giảm thuế 50% thu nhập DN cho 2 năm có lãi, và được các địa phương “ưu ái” cho những vị trí đắc địa,… Đó là điều mà không phải DN trong nước nào cũng có được.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Đất đai của Việt Nam không phải vô hạn, đã đến lúc chúng ta không thể thu hút FDI bằng mọi giá mà cần có sự chọn lọc, để tìm ra những dự án FDI thực sự hiệu quả.
Thế nhưng những gì Metro thể hiện sau 12 năm làm ăn tại Việt Nam thật đáng lên án. Vẫn biết, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam mục tiêu đầu tiên là lợi nhuận, nhưng vì lợi nhuận mà tận dụng mọi kẽ hở của pháp luật để gian dối và trốn tránh trách nhiệm nộp thuế thì liệu có nên hay không?.
Hiện Việt Nam đã bước sang năm thứ 26 về thu hút vốn FDI, tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã thu hút được gần 17.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 240 tỷ USD. Khu vực FDI cũng đã tạo ra 4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp và đóng góp khoảng 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những đóng góp đó mà “bỏ qua” những tồn tại của khu vực FDI, để cho những DN làm ăn gian dối trục lợi, cạnh tranh với DN nội địa thì sẽ là sai lầm, tự giết chết nền sản xuất trong nước. Từ câu chuyện của Metro và rất nhiều sai phạm của các DN FDI khác, thiết nghĩ Chính phủ Việt Nam cần thay đổi trong huy động nguồn vốn FDI.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]