Tuần trước, Bloomberg đưa tin, Be Group – đơn vị sở hữu ứng dụng be – đã nhận được khoản vay ít nhất 60 triệu USD từ Deutsche Bank (Đức) để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. CEO Vũ Hoàng Yến cho biết khoản vay này bao gồm một điều khoản cho phép tăng nguồn tài chính lên tới 100 triệu USD.
Nguồn vốn trên sẽ được sử dụng để mở rộng và nâng cao 3 dịch vụ cốt lõi bao gồm gọi xe trực tuyến (xe 4 bánh, 2 bánh), giao đồ ăn và ngân hàng số Cake by VPBank; cũng như mở các thị trường mới, dịch vụ mới. Mục tiêu xa hơn của Be Group là trở thành "nền tảng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam".
Ra đời cuối năm 2018, be là ứng dụng gọi xe Việt hiếm hoi có khả năng cạnh tranh với các đối thủ mạnh về tài chính và công nghệ nước ngoài như Grab (Singapore) và Gojek (Indonesia). Tại thời điểm ra mắt, trước câu hỏi của báo giới về việc thị trường gọi xe công nghệ được coi là “đốt tiền” và đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn, nhà đồng sáng lập và CEO Be Group khi đó - ông Trần Thanh Hải cho biết hãng có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, huy động từ cổ đông, vốn tự có.
Về thân thế, ông Trần Thanh Hải có mẹ là người thuộc Hoàng gia Campuchia và là cháu trai của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Trước Be Group, doanh nhân này được biết đến với vai trò đồng sáng lập và là cựu Giám đốc kỹ thuật của VNG.
Ông Trần Thanh Hải, cựu CEO Be Group. Ảnh: Be Group
Đến tháng 12/2019, ông Hải thôi chức Tổng giám đốc Be Group sau 1,5 năm gắn bó vì lý do cá nhân. Thay thế ông Hải là bà Nguyễn Hoàng Phương – người trước đó đảm nhiệm vị trí giám đốc vận hành. Đến tháng 9/2021, bà Phương cũng rời công ty này.
Bà Vũ Hoàng Yến – người ngồi “ghế nóng” hiện nay tốt nghiệp Đại học Kinh tế London, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng và chuyển đổi số. Bà Yến từng làm việc tại các doanh nghiệp như Adayroi (VinGroup), Agoda, Y khoa Hoàn Mỹ... Năm 2019, nữ CEO này được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào Top 10 Gương mặt nữ quản lý chuyên nghiệp.
Quá trình phát triển của Be Group. Nguồn: Be Group
Hệ sinh thái của Be Group gồm dịch vụ vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, mua sắm, bảo hiểm, viễn thông và lĩnh vực tài chính. Ứng dụng be hoạt động tại 28 tỉnh thành và đạt hơn 20 triệu lượt tải.
Theo thông tin tự công bố, trong quý I, be có hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng có giao dịch trên nền tảng. Riêng thị trường trọng điểm TP HCM có doanh thu tăng 2 lần trong nửa đầu năm.
Lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu
Tương tự Grab, Gojek và các ứng dụng gọi xe khác, kinh doanh có lãi vẫn đang là bài toán mà Be Group cần tìm lời giải. Tính đến cuối năm 2021, Be Group "gánh" khoản lỗ lũy kế hơn 2.466 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng và hai năm tiếp theo lần lượt lỗ 492 tỷ đồng và 384 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2021 là -373 tỷ đồng.
Về phía đối thủ, Grab Việt Nam và Gojek Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lũy kế lần lượt hơn 4.300 tỷ và hơn 4.000 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái.
Doanh thu thuần của Be Group trong 3 năm qua nhỉnh hơn Gojek Việt Nam một chút nhưng vẫn còn khá nhỏ nếu so sánh với Grab Việt Nam.
Việc thường xuyên tung ra các chương trình quảng cáo, khuyến mại - để giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm người dùng mới - khiến chi phí bán hàng của Be Group luôn cao hơn lợi nhuận gộp. Dù vậy, chi phí này có xu hướng giảm trong những năm qua, từ mức gần 1.444 tỷ năm 2019 xuống 627 tỷ năm 2020 và gần 392 tỷ đồng năm 2021.
Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng phát triển. Năm 2021, Bộ Công Thương ước tính doanh thu của mô hình này vào khoảng 2,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm kể từ năm 2015. Trong lĩnh vực kinh tế số, tốc độ tăng trưởng người dùng của gọi xe trực tuyến chỉ xếp sau thương mại điện tử. Dự kiến, doanh thu gọi xe trực tuyến có thể chạm 4 tỷ USD vào năm 2025.
Tại tọa đàm “Bài toán cạnh tranh cho thị trường gọi xe công nghệ trong thời kỳ bình thường mới” do Bộ Công Thương tổ chức hồi tháng 3, các ý kiến đều cho rằng cuộc đua tranh trên thị trường Việt Nam hậu Covid-19 sẽ trở nên khốc liệt hơn. Không chỉ ganh đua về phí dịch vụ, các công ty còn cạnh tranh nhau về trải nghiệm khách hàng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng. Sự cạnh tranh tích cực này sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho người dùng, bao gồm cả người đi xe và lái xe.
Người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra những thách thức, áp lực lớn đối với các doanh nghiệp tiềm năng muốn gia nhập thị trường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]