Tin tức cho hay lợi nhuận của UBS trong quý II/2015 là 1,2 tỷ franc (1,25 tỷ USD), tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ hiệu suất hoạt động tăng mạnh trên tất cả các phân khúc, nhất là đầu tư và quản lý tài sản. Điều này chứng minh "khả năng đàn hồi" của ngân hàng này và là dấu hiệu cho thấy UBS đã vượt qua được những rắc rối về pháp lý.
Trước đó, UBS từng bị phạt 1,4 tỷ franc, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD trong năm 2012 do có hành vi sai trái trong việc quản lý lãi suất Libor - một chỉ số tham chiếu lãi suất chính và quan trọng nhất thế giới có ảnh hưởng đến các sản phẩm từ thẻ tín dụng, khế ước cầm cố có lãi suất điều chỉnh, các khoản vay nợ mua ô tô, nợ sinh viên...
Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti thông báo: "Chúng tôi đã duy trì đà phát triển bất chấp những thách thức thị trường vẫn đang diễn ra. Bộ phận quản lý tài sản đã công bố kết quả quý II/2015, cho thấy những con số tốt nhất kể từ năm 2009. Còn bộ phận ngân hàng đầu tư cũng đã mang về 617 triệu franc lợi nhuận trước thuế và được đánh giá là một trong những lĩnh vực hoạt động hiệu quả nhất trong những năm gần đây".
Tuy vậy, kết quả lạc quan được công bố của UBS lại không gây ấn tượng với các nhà đầu tư cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu của UBS vẫn giảm 1,62% và ở mức 86,45 franc trên thị trường chứng khoán Zurich.
Ngoài UBS, Credit Suisse cũng vừa công bố báo cáo cho thấy lợi nhuận ròng trong quý II/2015 của ngân hàng đã tăng vượt kỳ vọng, lên 1,1 tỷ franc Thụy Sỹ (tương đương 1,15 tỷ USD hay 950 triệu euro) so với mức dự báo 690 triệu franc mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó. Đây được coi là một bước tiến lớn đối với Credit Suisse khi mà chỉ một năm trước đó, ngân hàng này đã lỗ ròng 700 triệu franc trong quý II/2014.
Credit Suisse cho biết, hoạt động mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những yếu tố có đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của ngân hàng trong quý II/2015, thể hiện tầm quan trọng của khu vực này đối với ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ. Điều đó càng được củng cố khi trong nửa đầu năm 2015, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp đến 16% tổng doanh thu của Credit Suisse.
Ngoài ra, phân khúc phục vụ khách hàng cá nhân cũng hoạt động tốt, với sự hỗ trợ của các thị trường đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng lại phần nào chịu ảnh hưởng bởi các chi phí liên quan đến vấn đề pháp lý khi năm ngoái, Credit Suisse đã bị phạt 2,6 tỷ USD vì cáo buộc giúp người Mỹ che giấu tài sản ở nước ngoài nhằm trốn thuế.
Mặc dù vậy, UBS hay Credit Suisse cũng giống như các doanh nghiệp Thụy Sỹ khác đều đang đối mặt với mối lo chi phí leo thang do đồng franc tăng giá. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn dai dẳng tại khu vực đồng euro, nhất là tương lai không chắc chắn của Hy Lạp, tiếp tục là những yếu tố khó lường có thể tác động đến vấn đề chi phí và viễn cảnh kinh tế của Thụy Sỹ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]