Muôn nẻo “vợt” khách
Tháng Chạp (âm lịch) đang đến gần, đây là thời điểm các ngân hàng rầm rộ triển khai các gói cho vay tiêu dùng, vay mua sắm cuối năm. Không chỉ tiếp cận khách hàng bằng cách nhắn tin, gọi điện, hàng loạt chương trình khuyến mãi quảng cáo rầm rộ được các ngân hàng, công ty tài chính triển khai đến tận các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm như phát tờ rơi, gửi email,… thậm chí “cài cắm” vào các chương trình khuyến mại của từng sản phẩm để dụ khách hàng. Khách hàng dù có hay chưa có nhu cầu vay vốn đều được mời chào đáp ứng và giải quyết mọi nhu cầu mua hàng, đặc biệt là với hình thức tiêu dùng trả góp.
Chị Thu Hương, nhân viên một Viện nghiên cứu tại Hà Nội cho biết: Mỗi ngày chị nhận được không ít hơn 4-5 cuộc gọi từ các nhân viên tư vấn tín dụng của đủ các ngân hàng, từ ANZ, VP Bank đến Công ty tư vấn Tài chính Prudential. Nội dung các cuộc gọi 100% là để tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng. “Nhiều khi liên tiếp chỉ trong 10 phút tôi còn nhận được điện thoại của hai nhân viên tư vấn thuộc cùng một ngân hàng. Nghe điện thoại nhiều đến nỗi phát bực”, chị Thu Hương phàn nàn.
Khác với chị Hương, anh Hoài Nam, nhân viên một công ty Du lịch thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết: “Khoản vay 100 triệu đồng mà anh vừa được giải ngân từ ngân hàng ANZ là do tình cờ anh nhận được điện thoại xin tư vấn cho vay tiêu dùng của nhân viên ngân hàng này. Và thế là nhu cầu chợt nảy sinh khi anh muốn thực hiện kế hoạch sửa lại căn nhà đón Tết vốn đã ấp ủ từ lâu mà chưa có điều kiện thực hiện”.
Với yêu cầu cung cấp bản photocopy Hợp đồng lao động và bảng lương (có công chứng) xác nhận mức lương hiện tại là 9 triệu đồng, anh Nam dễ dàng được ngân hàng cho vay khoản vay tiêu dùng thời hạn 60 tháng với mức lãi suất 20%/năm. Mỗi tháng tính cả gốc và lãi anh phải thanh toán cho ngân hàng gần 3 triệu đồng.
Cái giá đắt đỏ khi thủ tục đơn giản
Thế nhưng, ẩn trong những hợp đồng cho vay dễ tính là những cái giá “lãi suất” không hề rẻ, thậm chí cả cách tính phí phạt cao từ 5-8% tùy ngân hàng.
Chiêu của các ngân hàng, công ty tài chính khi cho vay tiêu dùng là chia nhỏ mức lãi suất theo ngày, theo tháng để khách hàng yên tâm sẽ trả cả gốc lẫn lãi được dễ dàng. Nhưng ẩn sau đó là phí phạt và mức lãi suất cao ngất ngưởng ở mức từ 19,5% - 25%/năm. Thậm chí các ngân hàng cũng có chiêu quảng cáo hấp dẫn, lãi suất 0% trong 3 - 6 tháng đầu. Tháng tiếp theo, lãi suất sẽ tính theo lãi suất thị trường cộng với biên độ nhất định từ 3-5%/tháng.
Chị Hà Thu, nhân viên một Trung tâm đào tạo ngoại ngữ bộc bạch với Dân Việt: Cách đây vài tháng chị vay 50 triệu đồng của ngân hàng X. để mua chiếc xe máy. Nhưng chỉ sau đó vài tháng chị lo liệu được một khoản tiền nên muốn trả lại khoản nợ đã vay. Đến khi đến ngân hàng làm thủ tục chị mới tá hỏa khi biết rằng trong số tiền gần 2 triệu chị đã thanh toán hàng tháng thì hơn một nửa trong số đó là tiền lãi. Nên kết quả mấy tháng “kẽo kẹt” trả cả gốc và lãi mà số tiền vay của chị chỉ giảm từ 50 triệu xuống 48 triệu đồng. Chấp nhận trả trước hạn, chị Hà cho biết chị còn bị phạt gần 5 triệu đồng tiền phí trả trước hạn.
Đưa ra lời tư vấn cho người tiêu dùng, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân là rất lớn, từ nhu cầu mua sắm cho gia đình, cá nhân…thậm chí người thì có nhu cầu vay cho con đi học, người thì chữa bệnh cần nhiều tiền…
Về phía ngân hàng thì cho vay tiêu dùng là lĩnh vực rủi ro rất cao, chính vì vậy lãi suất cũng sẽ luôn ở mức cao để các ngân hàng đảm bảo việc quản trị rủi ro. Để giải quyết cho nhu cầu về vốn, tín dụng nên các ngân hàng đẩy mạnh hình thức cho vay này. Tuy nhiên, theo ông Kiêm : Đây là lĩnh vực rất cần NHNN có chính sách quản lý mức lãi suất đối với lĩnh vực cho vay này để tránh sự rủi ro cho cả phía ngân hàng, công ty tài chính và cả bản thân người tiêu dùng. Bởi khi có nhu cầu về vốn mà không có tiền họ chấp nhận vay bằng bất cứ giá nào, thậm chí với lãi suất tới 25%/năm. Nếu như vậy thì rất dễ gây ra lạm phát và sự bắt chẹt người tiêu dùng, dễ gây ra tiêu cực.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi vay tối đa không được quá 150% lãi suất cơ bản. Mức lãi suất cơ bản mà NHNN công bố năm 2010 là 9%/năm (vẫn giữ đến nay), có nghĩa lãi vay không được quá 13,5%, song thực tế, lãi vay tín chấp của các ngân hàng, công ty tài chính có thể lên cao vượt mốc 13,5%/ năm này rất nhiều. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]