Khi NH nhỏ sáp nhập vào NH lớn có thể mất đi thương hiệu sau nhiều năm vun đắp về công sức, tiền bạc, nhưng những mặt được sau sáp nhập của các NH nhỏ có thể còn lớn hơn. Những lợi ích có thể nhìn thấy là được “hưởng sái” thương hiệu, hệ thống quản trị, công nghệ thông tin tốt hơn từ những NH lớn. Cổ đông của những NH nhỏ nhiều khi bỗng dưng “đổi đời” nhờ giá trị cổ phiếu gia tăng, những “ông chủ” của những NH nhỏ cũng có thể lại làm chủ một NH lớn.
Từ vụ đầu tiên hợp nhất 3 NH là SCB, Ficombank và Tinnghiabank thành SCB mới vào cuối năm 2011 gây nên đình đám, giai đoạn hiện nay việc sáp nhập các TCTD không còn lạ lẫm. Tại thời điểm đầu năm có khoảng 7 cuộc “hôn nhân” giữa các NH được “gọi tên” nằm trong diện có khả năng sáp nhập cao. Đến nay 2 trong số đó đã hoàn tất về chung một nhà, một trường hợp bị mua lại với giá 0 đồng, 2 trường hợp khác cũng đang đi đến hồi cuối, trong khi 2 trường hợp còn lại vẫn đang “dùng dằng”.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều cổ đông của những NH nhỏ “mừng ra mặt” vì bị sáp nhập. Bởi việc về chung một nhà với một đơn vị có quy mô lớn hơn hoặc đang niêm yết trên sàn chứng khoán là cơ hội để cổ đông “đổi đời” vì cổ phiếu nắm trong tay vừa có giá vừa dễ bán hơn. Cũng có trường hợp bất thường ông chủ nhà băng nhỏ lại có cơ hội làm chủ một NH lớn hơn về quy mô, vốn điều lệ.
Họ tuy nhỏ nhưng vẫn được ví von là “có võ” bởi đang nắm giữ tỷ lệ đáng kể tại NH lớn và có tiếng nói trong các quyết định quan trọng. Với họ việc sáp nhập còn mở ra rất nhiều cơ hội như tăng quy mô vốn, mạng lưới, cơ sở hạ tầng… trong khi nếu không sáp nhập phải mất khá lâu để gầy dựng được. Đó là minh chứng cho một NH A. sáp nhập vào NH B. cho đến nay vẫn chưa đến hồi kết.
Bởi NH A. quy mô nhỏ với số vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng, bằng 1/4 NH B. nhưng NH A. có 2 đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết của NH B. Nếu NH A. về chung một nhà với NH B. thì NH mới sẽ có hơn 250 chi nhánh, phòng giao dịch, vốn điều lệ được nâng lên hơn 15.000 tỷ đồng, tổng tài sản nâng lên hơn 180.000 tỷ đồng. Quy mô này gấp 4-5 lần NH A. Như vậy từ việc là ông chủ một nhà băng nhỏ nhưng rất có thể họ lại nắm vị trí điều hành một NH lớn sau sáp nhập.
Trường hợp kín tiếng khác trong việc sáp nhập trên thị trường hiện nay là 2 NH “ngang cơ” nhau. Một NH có vốn điều lệ hơn 4.700 tỷ đồng với NH có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Lịch sử hình thành của 2 NH cũng gần nhau về mặt thời gian.
Có ý kiến cho rằng 2 bên đang “tìm hiểu” nhau dù chưa bên nào lên tiếng xác nhận chính thức và đã có câu hỏi đặt ra liệu thương hiệu nào sẽ được giữ lại nếu sáp nhập. Trong trường hợp này, phần thắng thế có thể đang thuộc về NH có vốn nhỏ hơn kia, vì vốn được coi là NH “sạch” khi tỷ lệ nợ xấu thấp hơn và đang có trong tay “tiền tươi thóc thật”... Do vậy có thể vị thế trong việc đàm phán cũng như vị trí của họ sau này nếu có sáp nhập cũng có sự khác biệt hơn.
Theo lãnh đạo một nhà băng trong một lần chia sẻ với ĐTTC, hiện nay muốn đặt phòng giao dịch tại địa bàn nào phải có thời gian và được sự chấp thuận của NHNN, tóm lại việc thành lập, mở rộng NH bị hạn chế. Mới đây, trong Văn bản 5056/NHNN-TTGSNH, theo yêu cầu từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình, với những NH chưa đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 1-10-2015 sẽ không được xem xét, chấp thuận đề nghị mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, cung cấp dịch vụ mới, nghiệp vụ kinh doanh mới…
Có lẽ quá trình tái cấu trúc NH trong giai đoạn hiện nay cho thấy đang tạo ra những sự thay đổi lớn. Việc sáp nhập NH có thể có lợi cho cả 2 bên, đặc biệt là những NH nhỏ. Ông chủ của những nhà băng nhỏ không hẳn đã bị lép vế mà có thể lại trở thành ông chủ của NH sau khi sáp nhập. Họ có trong tay ngay một NH lớn, mạng lưới tầm cỡ mà không phải một sớm một chiều có thể xây dựng được.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]