Cổ đông hay nhóm cổ đông có quyền yều cầu những người quản lý ngân hàng phải bồi thường thiệt hại cho ngân hàng một khi người quản lý gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế chưa có một tổng giám đốc hay giám đốc nào của ngân hàng bị cổ đông kiện đòi bồi thường.
Ngân hàng là một loại hình của tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 (Luật các TCTD 2010), TCTD là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Do đó, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đặc biệt là ngân hàng này sẽ chịu sự điều chỉnh không chỉ của Luật các TCTD 2010 mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp 2005 (mới nhất là Luật doanh nghiệp 2014 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Do đó, một khi doanh nghiệp đầu tư vào một ngân hàng (có thể thuộc một trong hai loại hình doanh nghiệp trên) mà ngân hàng đó bị thua lỗ hay bị âm vốn điều lệ so với vốn pháp định như trường hợp của ngân hàng VNBC hay Oceanbank vừa qua, cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm hay bị mất số tài sản mà cổ đông đã đầu tư vào ngân hàng mà thôi.
Rủi ro khi doanh nghiệp đầu tư vào ngân hàng
Hoạt động kinh doanh ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt. Cho nên, ngoài các rủi ro như các loại hình kinh doanh của các doanh nghiệp khác, hoạt động kinh doanh ngân hàng còn chịu thêm các loại rủi ro sau và các doanh nghiệp khi đầu tư vào ngân hàng nên lưu ý:
- Quy định trách nhiệm bồi thường của người quản lý ngân hàng chưa rõ ràng
Khoản 4 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2005 quy định: Giám đốc hoặc tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định pháp luật, điều lệ, hợp đồng lao động và quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT). Nếu điều hành trái với các quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì giám đốc, tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường cho công ty. Điều 120 Luật này còn quy định chặt hơn bằng các điều kiện buộc người quản lý công ty khi ký hợp đồng, thực hiện giao dịch với một số đối tượng cụ thể phải được Đại hội cổ đông hoặc HĐQT chấp thuận.
Cho nên, cổ đông hay nhóm cổ đông có quyền yều cầu những người quản lý ngân hàng phải bồi thường cho ngân hàng một khi người quản lý gây ra thiệt hại. Cổ đông có thể xem các báo cáo tài chính, thuê công ty kiểm toán đánh giá, soát xét những hợp đồng, quyết định của người điều hành ngân hàng để tìm bằng chứng vi phạm.
Tuy nhiên, thực tế chưa có một tổng giám đốc hay giám đốc nào của ngân hàng bị cổ đông kiện đòi bồi thường cho ngân hàng khi họ gây ra thiệt hại. Tại vì, hiện nay, ngân hàng thuê tổng giám đốc bằng hợp đồng lao động chứ không ký hợp đồng thuê quản lý. Vì vậy, nếu việc điều hành có gây thất thoát, sai phạm thì họ chỉ có thể kiện nhau ra tòa vì quan hệ lao động chứ không thể kiện vì quan hệ kinh tế. Đây là một kẽ hở trong pháp luật doanh nghiệp hiện hành và trong thực tế pháp luật cũng không có hướng dẫn ngân hàng thuộc loại hình công ty TNHH hay công ty cổ phần về hợp đồng thuê quản lý. Đó là chưa nói người lãnh đạo là thành viên góp vốn thì việc kiện hay không còn phải đưa ra ĐHCĐ và phải đạt tỷ lệ 75% cổ đông biểu quyết. Rơi vào trường hợp này thì còn khó hơn vì lúc đó người lãnh đạo có cổ phần chi phối thì chưa chắc ĐHCĐ thông qua được.
- Ngân hàng là một trong những lĩnh vực đối mặt với nhiều rủi ro nhất
Các loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau và đều có thể gây tổn thất lớn cho hệ thống NHTM. Một số rủi ro cơ bản trong kinh doanh ngân hàng như rủi ro tín dụng, rủi ro tỷ giá hối đoái, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro tác nghiệp.
Một ngân hàng kinh doanh bị lỗ liên tục hoặc thường xuyên không đủ khả năng thanh khoản có thể dẫn đến một cuộc rút tiền quy mô lớn hoặc thậm chí ngân hàng đó sẽ dẫn tới phá sản. Như một hệ quả, rủi ro khiến ngân hàng bị lỗ hay bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người gửi tiền, hàng ngàn doanh nghiệp không được đáp ứng vốn, làm cho nền kinh tế bị suy thoái, giá cả tăng cao, sức mua giảm sút, thất nghiệp tăng, gây rối loạn trật tự xã hội, kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt các ngân hàng trong nước và khu vực, đồng thời gây bất ổn cho hệ thống tài chính của không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều nước trong khu vực.
- Tính lây lan nhanh trong hệ thống tài chính và bị kiểm soát chặt chẽ
Hệ thống ngân hàng với chức năng là trung gian tài chính có tác động (giống như huyết mạch) đến sự phát triển của tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế và ổn định xã hội. Vì vậy, “huyết mạch” rất cần được sạch, thông suốt để cơ thể nền kinh tế được khỏe mạnh. Khủng hoảng hệ thống ngân hàng rất dễ kéo theo suy thoái kinh tế và gây bất ổn cho hệ thống tài chính của Việt Nam. Các nước thường xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu ngân hàng một cách quyết liệt không để xảy ra hiệu ứng domino bằng các biện pháp tăng bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ thanh khoản, mua cổ phiếu, mua bán nợ xấu,… Ngay trong khu vực châu Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, ... cũng đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và được coi như một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách ổn định là nền tảng của phát triển.
Chính vì tính lây lan nhanh của hoạt động kinh doanh ngân hàng và sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, ổn định hệ thống tài chính, Nhà nước có nhiều chính sách và quy định pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh của hệ thống NHTM, nhằm giảm rủi ro hệ thống và tạo ra sự ổn định cho hệ thống tài chính, từ đó đem đến sự phát triển cho nền kinh tế.
Một số lưu ý khi doanh nghiệp đầu tư vào ngân hàng
- Phân tích và nắm vững báo cáo tài chính của ngân hàng
Vấn đề phân tích và nắm vững báo cáo tài chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với quyết định đầu tư vào 1 NHTM. Trong các con số tài chính được thống kê trên các báo cáo tài chính, để những nhà đầu tư hiểu được ý nghĩa những con số này, đòi hỏi họ hoặc các NHTM sử dụng những phương pháp, công cụ phân tích để xuất bản ra một báo cáo đem lại cho họ những thông tin hữu ích, dễ hiểu và sử dụng nhanh trong quá trình ra quyết định của mình.
Báo cáo tài chính được lập theo những chuẩn mực kế toán do NHNN ban hành. Hệ thống báo cáo tài chính của một NHTM bao gồm 4 loại: Bản cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.
Phân tích báo cáo tài chính không những phục vụ những đối tượng đang quản trị điều hành NHTM mà còn cung cấp những thông tin cho các đối tượng quan tâm đến tình hình “sức khỏe” của ngân hàng.
Tùy theo đối tượng sử dụng bản phân tích như thế nào, chúng ta có thể hiểu việc phân tích có thể đáp ứng 2 mục đích:
• Mục đích ra quyết định: Dựa trên những thông tin từ các con số cụ thể, việc phân tích sẽ đánh sâu vào yếu tố mạnh yếu của ngân hàng như: đánh giá về sức mạnh tài chính (chỉ số tỷ lệ cho vay/tổng tài sản, tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi), hiệu suất sinh lời (chỉ số ROAE, ROAA, YEA, COF), ….
• Mục đích đầu tư vào hoặc rời bỏ ngân hàng: Việc phân tích này đòi hỏi chuyên sâu hơn rất nhiều: vì ngoài việc phân tích các yếu tố tài chính như phân tích hệ thống báo cáo tài chính thì lồng vào đó là phân tích rất nhiều các chỉ số phi tài chính như: tình hình nhân sự, hoạt động marketing, chế độ phúc lợi, những khó khăn của ngân hàng, … Từ đó mới đề ra được các nhóm giải pháp khắc phục hoặc tăng cường trong hoạt động kinh doanh của NHTM.
- Lịch sử và triển vọng kinh doanh của ngân hàng đó thế nào?
Một sự rà soát nhanh các tin tức và báo cáo kết quả kinh doanh trong quá khứ của ngân hàng mục tiêu sẽ giúp trả lời câu hỏi này. Ngân hàng đó có một lịch sử tăng trưởng lợi nhuận ổn định hay không? Mức độ biến động của lợi nhuận thế nào?
- Đối thủ cạnh tranh của ngân hàng mục tiêu đó là ai?
Nhà đầu tư nên biết ngân hàng mà mình định đầu tư đang đứng ở đâu trên thị trường. Đó có phải là ngân hàng có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực mà ngân hàng đang kinh doanh hay không? Có phải ngân hàng đó tuy nhỏ nhưng đang dần trở thành một ngân hàng “số 1” trên thương trường?
Nhà đầu tư cũng nên để ý đến các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của ngân hàng mục tiêu, khi cạnh tranh về giá có thể gây áp lực nên biên lợi nhuận của ngân hàng.
- Ai vận hành ngân hàng đó?
Không như các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư là doanh nghiệp thường không có cơ hội gặp mặt các lãnh đạo của một ngân hàng mục tiêu và nói chuyện với họ về phương thức quản lý trước khi ra một quyết định đầu tư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp đó không có rất nhiều cách để tìm hiểu về lãnh đạo của ngân hàng đó. Bất kỳ ngân hàng nào cũng phải có một trang web, trong đó liệt kê các quản lý cao cấp của mình, thời gian mà họ đã gắn bó với ngân hàng, thông tin cơ bản về họ và lịch sử của ngân hàng.
Nếu ban điều hành liên tục thay đổi, đó không phải là một dấu hiệu tích cực đối với sự ổn định của 1 NHTM. Ngoài những thông tin từ chính ngân hàng về ban điều hành, nhà đầu tư cũng nên tìm thêm các bài viết từ bên ngoài về họ.
Kết luận
Để thay cho lời kết, qua các phân tích ở trên, tác giả cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp khi đầu tư vào bất kỳ 1 NHTM nào cũng cần lưu ý các rủi ro đặc trưng của ngân hàng bên cạnh các rủi ro chung của các doanh nghiệp và cần đặc biệt chú trọng đến bốn vấn đề ở trên trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào ngân hàng.
Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng, qua các trường hợp M&A tự nguyện hay bắt buộc vừa qua của các ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ dè dặt hơn khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, và điều đó là thật sự cần thiết nhằm tạo ra sự ổn định cho hoạt động của các ngân hàng, từ đó tạo ra sự ổn định bền vững cho hệ thống tài chính tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]