Microsoft - gã khổng lồ từng bị chê là chậm chạp (khi chậm chân ở thị trường mobile và để cho Apple lẫn Android lấn lướt) - giờ đây đang làm mới mình dưới thời người thuyền trưởng mới để theo kịp thời cuộc.
Bởi vậy, những điều mà người ta tưởng chừng như sẽ không bao giờ đến từ hãng phần mềm này trước đây, sẽ . Biến Windows trở thành một hệ điều hành nguồn mở, miễn phí là một trong số đó.
Windows là "con gà đẻ trứng vàng", một trong những sản phẩm "bất khả xâm phạm" tại Microsoft mang về cho công ty nhiều tỷ USD mỗi quý. Trước đây, gần như không ai nghĩ tới khả năng Microsoft sẽ chịu miễn phí một trong những sản phẩm chủ lực này. Tuy nhiên, giờ đây khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra.
"Đó là một Microsoft hoàn toàn mới, Việc biến Windows thành hệ điều hành mã nguồn mở là hoàn toàn có thể xảy ra" - kỹ sư, giám đốc kỹ thuật Mark Russinovich nói với khách tham gia trong cuộc hội nghị về mã nguồn mở ChefCon mới đây.
Trong lĩnh vực hệ điều hành thường có hai loại chính: mã nguồn đóng và mã nguồn mở. Đại diện cho mã nguồn đóng là Microsoft Windows và Apple OS X.
Chúng được gọi là "đóng" bởi mã (code) mà hai công ty sử dụng không được phát hành công khai. Ngược lại, các hệ điều hành nguồn mở có nghĩa là cộng đồng công nghệ có thể truy cập vào các đoạn mã cơ bản, cho phép coder chỉnh sửa, sửa đổi để tạo ra một biến thể mới. Ở phương diện hệ điều hành máy tính, Linux chính là đại diện tiêu biểu của loại nguồn mở này.
Cuộc tranh luận về "nguồn đóng, nguồn mở" đã nổ ra từ lâu và luôn là một đề tài nóng. Những người ủng hộ mã nguồn mở thì cho rằng việc công khai các dòng mã sẽ giúp tạo ra một hệ điều hành tốt hơn nhờ việc cộng đồng lập trình viên đông đảo sẽ góp trí tuệ của họ vào đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Microsoft, bằng việc "đóng cửa" Windows đã giúp công ty tạo ra hàng tỷ USD doanh thu cho mình.
Nếu biến Windows thành nền tảng nguồn mở, đó sẽ là một sự thay đổi mang tính "địa chấn" tại hãng phần mềm Mỹ. Code của Windows dưới thời lãnh đạo của Bill Gates và Steve Ballmer là "bất khả xâm phạm".
Sở hữu một nền tảng đóng đồng nghĩa với việc Microsoft kiểm soát việc phát hành, trải nghiệm người dùng, cũng như điều khiển cả dòng doanh thu được tạo ra từ Windows.
Thế nhưng kể từ năm ngoái, khi Satya Nadella lên làm Giám đốc điều hành, Microsoft bắt đầu thay đổi cách thức kinh doanh. Microsoft giờ đây không còn là một công ty phần mềm nữa; trong một bản tuyên ngôn khá dài của mình,
Nadella nói rằng Microsoft sẽ tập trung vào các dịch vụ đám mây, vào mobile. Những sản phẩm, dịch vụ mà Microsoft phát triển sẽ được đưa lên nhiều nền tảng, hệ điều hành khác nhau thay vì chỉ tập trung cho "đứa con cưng" Windows như trước. Mục tiêu của ông là mang về doanh thu từ các dịch vụ như Office 365, bộ ứng dụng văn phòng đám mây như Word, Excel...
Vào mùa hè năm nay, Microsoft sẽ phát hành Windows 10, phiên bản Windows mới nhất mà hãng phát triển dành cho các thế hệ PC lẫn tablet.
Với Windows 10, lần đầu tiên trong lịch sử Microsoft sẽ cho phép người dùng Windows 7 và Windows 8 nâng cấp lên hệ điều hành mới hoàn toàn miễn phí.
Thậm chí, một kế hoạch cho phép người dùng các bản Windows "lậu" nâng cấp miễn phí lên Windows 10 cũng đang được chuẩn bị. Nó là động thái cho thấy Microsoft đã thay đổi, và họ muốn chứng minh rằng mình tương lai của mình không bị phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của Windows.
Mặc dù những thay đổi "tiềm tàng" mà Microsoft đang hướng tới cho Windows, công ty chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về quan điểm biến nó thành nền tảng nguồn mở.
Theo lời phát biểu của Russinovich, nếu điều này có thực sự xảy ra, thì nó cũng sẽ phải mất một thời gian dài chứ không thể "một sớm một chiều" là thành hiện thực. Tuy nhiên, Russinovich cũng thừa nhận rằng các cuộc thảo luận về đề tài này đã được đưa ra trong thời gian qua cũng như trong tương lai.
Cách đây một thập kỷ, nếu một nhân viên nào đó có ý định thảo luận về kế hoạch đưa Windows trở thành "đồ cho không", kẻ đó sẽ phải rời khỏi Microsoft ngay lập tức.
Trong thời hoàng kim của triều đại Bill Gates và Steve Ballmer, chỉ cần một ai đó đề xuất ý kiến trên thì đồng nghĩa rằng người đó đã xung đột trực tiếp với văn hóa doanh nghiệp của công ty. "Nguồn mở là kẻ phá hoại sở hữu trí tuệ.
Tôi không tưởng tượng được thứ gì tồi tệ hơn nó (mã nguồn mở), xét trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm và sở hữu trí tuệ" - cựu Giám đốc mảng Windows là Jim Allchin từng có câu phát biểu nổi tiếng đó hồi 2001. Cựu CEO Microsoft là Steve Ballmer cũng từng chì chiết mã nguồn mở khi nói rằng "Linux là một thứ ung thư".
Thế nhưng, theo thời gian, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Năm ngoái, Microsoft công bố đưa nền tảng lập trình .Net framework của mình thành nguồn mở. .Net framework trước đây được Microsoft xây dựng để các lập trình viên viết ứng dụng cho Windows.
Giờ đây, lập trình viên có thể dùng nó để viết app cho các hệ điều hành khác. Azure, nền tảng điện toán mây của Microsoft, cũng đã hỗ trợ hệ điều hành nguồn mở Linux.
"Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ chính sách nguồn mở, cũng chưa có thay đổi nào cho mô hình kinh doanh của Windows" - một đại diện của Microsoft cho biết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]