Theo thống kê của TrendForce về những công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới dựa trên doanh thu năm 2021, có bốn công ty Đài Loan gồm MediaTek xếp thứ tư, Microelectronics đứng thứ sáu, Realtek Semiconductor thứ tám và Himax Technologies lần đầu xuất hiện trong danh sách ở vị trí thứ 10. Sáu vị trí còn lại đều thuộc về các doanh nghiệp Mỹ.
Ảnh: LA Times
Trong những năm qua, Mỹ luôn là cường quốc về bán dẫn với những cái tên nổi tiếng như Qualcomm, Broadcom, Nvidia, AMD... Trong khi đó, năm 2021 đánh dấu lần đầu Đài Loan góp mặt bốn trong 10 vị trí hàng đầu về thiết kế bán dẫn trong bảng xếp hạng của TrendForce, cho thấy sự hiện diện ngày càng lớn của họ ở lĩnh vực này.
Thiết kế chip được đánh giá là một trong những mảng khó của ngành bán dẫn. Khả năng thiết kế tiên tiến là yếu tố bắt buộc để phát triển chip hiệu suất cao. Mô hình này được Mỹ tiên phong từ những năm 1980 và nhiều doanh nghiệp đã đổ hàng trăm tỷ USD để chiếm được vị thế như hôm nay.
Trước đây, Mỹ đi theo con đường nắm giữ bản quyền thiết kế, sau đó đặt hàng sản xuất tại các cơ sở gia công ở châu Á. Sự lớn mạnh và trở thành thế lực trong ngành bán dẫn của Qualcomm từ 1985 hay Nvidia từ 1993 cũng nhờ mô hình này.
Trong khi đó, các công ty Đài Loan trước đây chỉ được xem là thầu phụ, nhưng đang từng bước tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ. Theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng của các nhà thiết kế chip Đài Loan một phần do họ có các đối tác đồng hương hàng đầu về gia công, như TSMC hay United Microelectronics Corp (UMC).
Thực tế, thiết kế và sản xuất luôn cần sự phối hợp chặt chẽ với nhau. "Khoảng cách càng gần, tiến độ dự án càng được đẩy nhanh do không vấp phải vấn đề về thông quan, chẳng hạn việc đóng cửa biên giới gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch thời gian qua", một chuyên gia nhận xét.
Theo Nikkei Asia, mối quan hệ bền chặt giữa các công ty bán dẫn đã phát huy tính hiệu quả trong tình trạng thiếu chip hiện nay. Với lượng đơn hàng liên tục đến từ khắp nơi trên thế giới, TSMC và UMC ưu tiên các công ty thiết kế Đài Loan, từ đó giúp đối tác tăng thứ hạng đáng kể trên thị trường.
Điều này thể hiện rõ ở lĩnh vực chip cho smartphone, nơi MediaTek - công ty có mối quan hệ mật thiết với TSMC - đã vượt qua Qualcomm để vươn lên dẫn đầu thị trường đầu năm. Theo báo cáo tài chính quý I/2022, lợi nhuận của MediaTek đạt 1,13 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, doanh thu tăng 32% lên mức kỷ lục 4,8 tỷ USD nhờ nhu cầu chip 5G cho smartphone.
Thực tế, bốn công ty Đài Loan nằm trong danh sách của TrendForce đều dựa nhiều vào TSMC và UMC. "Yếu tố đồng hương giúp các công ty thiết kế chip Đài Loan đạt ưu thế lớn thời gian qua. Họ có lợi thế về mặt địa lý và mối quan hệ, từ đó quá trình từ thiết kế tới sản xuất trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn", Chris Hung, Phó giám đốc Market Intelligence & Consulting Institute, nhận xét.
Nhiều công ty bán dẫn Mỹ cũng đang có sự hiện diện của yếu tố Đài Loan. Bảy trong số 10 doanh nghiệp chip hàng đầu trong bảng xếp hạng của TrendForce có lãnh đạo từ Đài Loan. "Mối liên hệ của họ với Đài Loan có thể là sợi dây kết nối trong các vụ mua bán hoặc sáp nhập trong ngành thời gian tới", Nikkei Asia dự đoán.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]