Tóm tắt
Nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ thường yếu tài chính nhưng bất kỳ ngân hàng nào cũng có những quy định riêng của mình nhằm bảo toàn nguồn vốn vay, hạn chế rủi ro. Do vậy, mọi ngân hàng đều bắt người đi vay phải chứng minh nguồn thu nhập, trong khi đây là “cửa ải” khó nhất không phải ai cũng vượt qua được.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.P HCM (HoREA) cho biết, theo điều tra dân số cả nước, lực lượng trẻ từ 25 – 35 tuổi chiếm khoảng 32% dân số. Riêng tại Tp.HCM, mỗi năm có hơn 50.000 cặp kết hôn mới. Thế nhưng, phần lớn các bạn trẻ này phải ở nhà thuê, cách xa trung tâm thành phố. Vì thế, nhu cầu nhà ở hiện nay cho giới trẻ là thiết thực và bức bách nhưng có một nghịch lý là thị trường chưa có phân khúc nhà ở cho giới trẻ.
"Phần lớn các bạn trẻ khi mới lập gia đình có trong tay số vốn tích lũy ít ỏi 200-300 triệu đồng, khó có thể mua được bất kỳ sản phẩm nhà ở nào tại Tp.HCM", ông Châu nói.
Trong khi đó, các sản phẩm nhà ở trên thị trường hiện nay dành cho các đối tượng này rất hiếm và gần như đã được tiêu thụ hết. Số sản phẩm giá rẻ ít ỏi còn lại chỉ tồn tại trên thị trường thứ cấp. Trong khi đó, các sản phẩm tầm trung được các chủ đầu tư đưa ra thị trường hiện nay cũng ở mức trên dưới 1,2 tỉ đồng.
Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường BĐS Tp.HCM nay có một số ít doanh nghiệp đi theo hướng đầu tư dự án nhà ở có giá hợp túi tiền dành cho người trẻ, đó là Hưng Thịnh Land với dự án 8XPlus, 8X Đầm Sen; Nam Long với dòng Ehome; và nổi bật nhất vẫn là các sản phẩm nhà ở giá rẻ của công ty Lê Thành...
Theo ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc công ty Đất Lành cho rằng, người trẻ đương nhiên là nghèo, trên 95% không có nhà. Một số tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã và đang dành nhiều ưu đãi về quỹ đất, cơ chế tài chính để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển loại hình nhà ở dành cho người trẻ. Tuy nhiên, Tp.HCM từ trước đến nay doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn chuộng phân khúc cao cấp hơn, quay lưng với loại hình nhà ở hợp túi tiền.
Một vấn đề khác, nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ thường yếu tài chính nhưng bất kỳ ngân hàng nào cũng có những quy định riêng của mình nhằm bảo toàn nguồn vốn vay, hạn chế rủi ro. Do vậy, mọi ngân hàng đều bắt người đi vay phải chứng minh nguồn thu nhập, trong khi đây là “cửa ải” khó nhất không phải ai cũng vượt qua được.
Về thực trạng này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, các ngân hàng thương mại phải tính phương án thu nợ chứ không phải lấy tài sản khách hàng để trừ nợ. Việc "siết" nhà của người đi vay chỉ là giải pháp tình thế cuối cùng. Bởi vì, khó khăn trong xử lý nợ xấu là việc bán tài sản để thu hồi nợ vì mất quá nhiều thủ tục, thời gian.
"Chúng ta có thể phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp BĐS để xây dựng một chương trình hợp tác giống như chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được thực hiện rất hiệu quả trong nhiều năm qua. Trong đó có các quy chế hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp vay vốn ngân hàng một cách dễ dàng, và giúp người trẻ tiếp cận nhà nhanh chóng", ông Minh nói.
Ở cấp độ cao hơn, ông Minh cho biết, nên đề nghị các cấp có thẩm quyền như Ban Bí thư Trung ương Đoàn có đề xuất để Chính phủ ra nghị quyết nhà ở dành cho người trẻ. Khi đó ngân hàng có điều kiện hướng dòng vốn của mình cho đối tượng này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]